Chuyển giá hay Giao dịch liên kết có thể nói chính là nội dung khó nhất, phức tạp nhất của môn F6. Sở dĩ mình nói như vậy là vì vấn đề này khó ngay cả trong thực tế, trong khi văn bản hướng dẫn lại quá ít. Dẫn đến rất nhiều bất cập cho doanh nghiệp, và cho cả cơ quan thuế trong quá trình áp dụng. Cũng rất may đây không phải nội dung trọng tâm nhất của môn F6. Do đó, chúng ta chỉ cần học những nội dung cơ bản nhất của chủ đề này. Cụ thể, trong bài viết ngày hôm nay Ad sẽ đi làm rõ bản chất Chuyển giá là gì & giải thích các kiến thức cơ bản nhất về giao dịch liên kết mà chúng ta cần biết cho kỳ thi.
Phần 1. Chuyển giá là gì? Các hình thức thực hiện chuyển giá thường sử dụng?
Rất nhiều người coi 2 thuật ngữ “Chuyển giá” (“Transfer pricing”) và “Giao dịch liên kết” (“Related party transaction”) là một. Tuy nhiên, thực ra thì đây là 2 thuật ngữ khác nhau, nhưng liên quan đến nhau và thường đi theo cặp với nhau. Văn bản mà chúng ta phải đi nghiên cứu là Nghị định 132 quy định về giao dịch liên kết, có mục đích là để quản lý vấn đề về chuyển giá. Vậy tại sao lại có mối quan hệ này?
Chúng ta hãy đi tìm câu trả lời bằng cách làm rõ câu chuyện về bản chất của chuyển giá là gì nhé.
1.1. Chuyển giá là gì?
Chúng ta hãy cùng xem tình huống sau:
- Công ty A ở Mỹ, sở hữu 100% vốn đầu tư ở Công ty B ở Việt Nam & Công ty C ở Trung Quốc.
- C chuyên sản xuất dụng cụ viết thư pháp.
- B nhập hàng từ C, sau đó phân phối sản phẩm ở Việt Nam
Khi đó:
- Khi B bán hàng cho các khách hàng độc lập (hoàn toàn không liên quan đến 3 công ty A, B, C): Giao dịch bán hàng này sẽ được gọi là “giao dịch độc lập” (“Independent transactions”).
- Khi B và C có giao dịch với nhau: Vì cả B và C đều bị A sở hữu 100% vốn nên rõ ràng giữa 3 công ty này có mối liên hệ với nhau về vốn. Mối quan hệ giữa A và B/C là mối quan hệ trực tiếp. Còn mối quan hệ giữa B và C là mối quan hệ gián tiếp vì cùng bị sở hữu bởi A. Chúng ta gọi chung mối quan hệ giữa A, B, C là “quan hệ liên kết”. Do đó, khi B và C có giao dịch với nhau thì các giao dịch này sẽ được gọi là “giao dịch liên kết” (“related party transaction”). Và cái giá được xác định cho các giao dịch liên kết sẽ được gọi là “Giá chuyển nhượng” (“Transfer price”) – và đây cũng là cái đối tượng mà quy định về Giao dịch liên kết muốn quản lý.
Vấn đề là: Tại sao nhà nước lại muốn quản lý “Giá chuyển nhượng” này?
Trong ví dụ của chúng ta, giá bán của C cho B sẽ ảnh hưởng đến kết quả tài chính riêng của cả B và C đúng không ạ?
- Nếu C tính giá cao hơn giá thị trường thì C sẽ có lợi nhuận cao hơn. Vì B mua hàng của C nên chi phí của B sẽ tăng lên, nên lợi nhuận của B thấp đi.
- Và ngược lại, khi C bán giá thấp hơn thị trường thì C sẽ có lợi nhuận thấp hơn. Còn chi phí của B sẽ giảm đi nên B sẽ có lợi nhuận cao hơn.
Còn từ góc độ tập đoàn thì sao:
Dù C bán cho B với giá cao hay thấp thì tổng lợi nhuận kế toán của tập đoàn vẫn sẽ không đổi. Nhưng từ góc độ về thuế thì đây lại là vấn đề lớn.
Trong ví dụ: C chịu thuế ở Trung Quốc trong khi B chịu thuế ở Việt Nam. Từ góc độ tập đoàn thì A sẽ muốn tối đa hoá lợi nhuận sau thuế mà tập đoàn nhận được. Và A có thể dùng ảnh hưởng của mình tới B và C để sắp xếp sao cho công ty ở nước có thuế suất thấp sẽ có lợi nhuận cao hơn. Còn công ty ở nước có thuế suất cao sẽ có lợi nhuận thấp hơn. Mục tiêu là tối thiểu chi phí thuế của tập đoàn. Và do đó tối đa được lợi nhuận sau thuế.
Cụ thể, nếu Trung quốc có thuế suất thuế TNDN cao hơn ở Việt Nam, thì A có thể sẽ thu xếp để C có lợi nhuận thấp hơn bằng cách thiết lập mức giá chuyển nhượng thấp hơn giá thị trường. Và ngược lại.
Hành động điều tiết lợi nhuận này của tập đoàn được gọi là: chuyển lợi nhuận từ nước có % thuế suất cao sang nước có % thuế suất thấp. Cách thực hiện là thông qua việc: xác định giá chuyển nhượng của các giao dịch liên kết giữa các công ty trong tập đoàn. Chính vì vậy, hành động này còn được gọi là “Chuyển giá”. Mục đích của Nghị định 132 về giao dịch liên kết chính là để ngăn chặn tình huống này. Để đảm bảo rằng lợi nhuận sẽ được đánh thuế phù hợp ở nơi thực sự tạo ra giá trị.
Thực ra trong văn bản chúng ta sẽ không có định nghĩa chính xác cho thuật ngữ “chuyển giá”. Theo thông lệ, khi hiểu về bản chất của “chuyển giá” như bên trên thì chuyển giá có thể được định nghĩa là:
Thông qua việc kiểm soát Giá chuyển nhượng của các Giao dịch liên kết giữa các công ty trong tập đoàn để chuyển lợi nhuận từ nơi có thuế suất thuế TNDN cao sang nơi có thuế suất thuế TNDN thấp, từ đó tối thiểu chi phí thuế & tối đa lợi nhuận sau thuế.
Tuonthi.com
Đến đây thì hy vọng là các bạn đã hiểu được chuyển giá là gì cũng như mối quan hệ giữa 2 thuật ngữ chuyển giá & giao dịch liên kết. Cũng không có gì quá nguy hiểm đúng không ạ? Chính vì vậy nên ra ngoài mà thấy ai chém về chuyển giá thì các bạn cũng không cần quá e ngại nhé.
Lưu ý:
Trong văn bản hướng dẫn của việt nam thì chúng ta sử dụng thuật ngữ “giao dịch liên kết” và “giao dịch độc lập”. Nhưng trong các văn bản về chuyển giá của nước ngoài thì thuật ngữ hay được sử dụng lại là “Giao dịch bị kiểm soát” (“Controlled transactions”) / “Giao dịch không bị kiểm soát” (“Uncontrolled transactions”). Cá nhân mình thì thấy thuật ngữ “Giao dịch bị kiểm soát”/ “Giao dịch không bị kiểm soát” sẽ phản ánh chính xác hơn bản chất vấn đề. Tuy nhiên, nhập gia tuỳ tục. Chúng ta thi thuế việt nam thì cứ sử dụng thuật ngữ của văn bản việt nam nhé.
1.2. Các hình thức chuyển giá thường sử dụng
Trong ví dụ trên mình lấy tình huống thường gặp nhất tức là chuyển giá thực hiện qua điều chỉnh giá cả hàng hoá. Còn trong thực tế thì có nhiều cách thức thực hiện hơn.
[1] Gia tăng giá trị góp vốn: Các doanh nghiệp tiến hành đầu tư sẽ thực hiện việc góp vốn bằng các tài sản hữu hình như máy móc thiết bị, và đặc biệt nhất là công nghệ. Trong khi đó các công nghệ được đầu tư từ nước ngoài đã trở nên lạc hậu và gần như là khấu hao hết tại quốc gia của họ. Nhưng chính yếu kém về về trình độ thẩm định giá cũng như sự thiếu hụt thông tin, dữ liệu nên giá trị góp vốn thường bị đẩy lên cao hơn rất nhiều so với giá trị thực. Ngoài ra, việc tính thuế được dựa trên hóa đơn chứng từ theo nguyên tắc giá gốc. Và theo thực tế thì giá trị máy móc thiết bị và các tài sản cố định mà các đối tác liên kết thỏa thuận với các quốc gia tiếp nhận đầu tư luôn được định giá ở mức cao hơn giá thị trường.
[2] Giá trị tài sản vô hình bị làm khống: Các công ty trong tập đoàn thường bán phần mềm, bằng sáng chế, thương hiệu hay công thức pha chế…cho nhau. Nhưng loại tài sản này thường khó xác định đúng giá trị của nó. Dẫn đến việc giá trị tài sản dễ dàng bị khống lên, trở thành hình thức để công ty con chuyển tiền về cho công ty mẹ.
[3] Thông qua việc mua, bán máy móc: Khi mua bán máy móc, hàng hoá…hình thức chuyển giá phổ biến là thông qua điều chỉnh giá bán. Nhưng ngoài ra còn tồn tại tình trạng là công ty mẹ bán những máy móc, hàng hoá đã lỗi thời sang cho công ty con như là 1 hình thức để chuyển tiền về cho công ty mẹ. Trong khi đó số máy móc công ty con mua về lại không sử dụng được hoặc chỉ sử dụng được thời gian rất ngắn.
[4] Nâng cao chi phí quản lý và hành chính: Việc nâng cao phần chi phí quản lý và chi phí hành chính sẽ dẫn đến việc gia tăng chi phí của doanh nghiệp. không thể phủ nhận rằng việc áp dụng các kiến thức, trình độ của nước ngoài sẽ giúp nâng cao hiệu quả lao động, nhất là khi Việt Nam đang còn là một đất nước đang phát triển. Việc nâng cao chi phí quản lý và hành chính có thể thông qua hành động:
- Thuê người quản lý với mức lương rất cao.
- Trả phí quản lý cho công ty mẹ.
- Doanh nghiệp phải đưa nhân viên qua nước ngoài để đào tạo, học tập với chi phí cao.
Các bạn lưu ý rằng đây chỉ là các hình thức mà doanh nghiệp thường sử dụng để chuyển giá. Chứ không có nghĩa là cứ gặp doanh nghiệp có các giao dịch này chúng ta lại nói là họ chuyển giá nhé. Để khẳng định có chuyển giá hay không thì còn cần phải đánh giá nhiều thứ.
Well, bây giờ sau khi đã hiểu được bản chất của chuyển giá là gì thì chúng ta hãy cùng đi xem 1 số quy định cơ bản về chuyển giá & giao dịch liên kết mà chúng ta cần biết để phục vụ cho kỳ thi F6 nha.
Phần 2. Kiến thức cơ bản cần biết về chuyển giá & giao dịch liên kết
Nội dung nghị định 132 sẽ rất dài. Vậy nên nếu chỉ đọc văn bản mà không có định hướng thì sẽ vô cùng không hiệu quả. Chính vì vậy, chúng ta hãy học phần kiến thức này theo yêu cầu ở Syllabus của ACCA. Cụ thể, ACCA họ yêu cầu chúng ta phải nắm được các vấn đề cơ bản sau:
- Xác định các công ty có mối quan hệ liên kết với nhau
- Giải thích và áp dụng các nguyên tắc giá chuyển nhượng
- Các phương pháp được sử dụng để xác định giá thị trường
1. Cách xác định các công ty có mối quan hệ liên kết với nhau
Chi tiết nội dung này được quy định tại Điều 5 – Nghị định 132 nha các bạn. Cụ thể, mối quan hệ liên kết giữa các bên sẽ được chia thành 2 tình huống sau:
- 1 bên tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư vào bên kia. Kiểu như mối quan hệ giữa A với B hoặc C trong ví dụ bên trên của chúng ta
- Các bên trực tiếp hay gián tiếp cùng chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư của một bên khác. Kiểu như mối quan hệ giữa B và C trong ví dụ trên.
2 trường hợp này sẽ được cụ thể hoá thành 11 mối quan hệ liên kết như sau. Ở đây mình gán luôn vào 3 công ty A, B, C trong ví dụ trên để dễ hình dung nhé.
Loại 1 | [1] A nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 25% vốn góp chủ sở hữu của B |
[2] A là cổ đông lớn nhất, nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 10% tổng số cổ phần của B | |
[3]A nắm quyền điều hành, kiểm soát quyết định trên thực tế đối với HĐSXKD của B | |
[4] A bảo lãnh cho B vay hoặc cho B vay khi vốn vay ít nhất bằng 25% VCSH & chiếm trên 50% các khoản nợ trung & dài hạn của B | |
[5] A chỉ định trên 50% thành viên ban điều hành hoặc nắm quyền kiểm soát của B. Thành viên được chỉ định có quyền quyết định các chính sách tài chính hoặc hoạt động kinh doanh | |
[6] A có phát sinh các giao dịch nhượng, nhận chuyển nhượng vốn góp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của B trong kỳ tính thuế; Hoặc A vay cho vay ít nhất 10% vốn góp của chủ sở hữu tại thời điểm phát sinh giao dịch trong kỳ tính thuế với cá nhân điều hành, kiểm soát doanh nghiệp hoặc với cá nhân thuộc trong một các mối quan hệ theo quy định tại điểm g khoản này | |
[7a] A và B có mối quan hệ trụ sở chính và cơ sở thường trú | |
Loại 2 | [7b] B và C cùng là cơ sở thường trú của A |
[8] B và C cùng có trên 50% thành viên hoặc 1 thành viên ban lãnh đạo có quyền quyết định các chính sách tài chính hoặc hoạt động kinh doanh được chỉ định bởi A | |
[9] B và C cùng được điều hành hoặc chịu sự kiểm soát của các cá nhân có các mối quan hệ được quy định | |
[10] B và C cùng chịu sự kiểm soát của 1 cá nhân thông qua vốn góp vào doanh nghiệp hoặc trực tiếp tham gia điều hành | |
[11] B và C cùng bị A nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 25% vốn góp |
2.2. Nguyên tắc giá chuyển nhượng
Ở trên chúng ta đã biết rằng các công ty thường thông qua giá chuyển nhượng của các giao dịch liên kết để chuyển lợi nhuận từ nơi có thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cao sang nơi có thuế suất thấp để từ đó tối thiểu chi phí thuế và tối đa lợi nhuận sau thuế. Chính vì vậy, để mà đánh giá xem 1 công ty có đang “chuyển giá” hay không thì sẽ cần xem xét giá chuyển nhượng mà công ty đó đang áp dụng cho các giao dịch liên kết của mình có phù hợp hay không.
Và để mà làm cơ sở cho việc đánh giá này, thì cơ quan quản lý đã đưa ra các nguyên tắc, quy định mà doanh nghiệp phải tuân theo khi xác định giá chuyển nhượng. Trong văn bản quy định rất dài, rất phức tạp. Nhưng chốt lại thì có 2 nguyên tắc cơ bản sau:
[1] Nguyên tắc “Bản chất quyết định hình thức” (“Substance over form”)
Nghĩa là phải đi xác định xem bản chất của giao dịch liên kết đó là gì. Ví dụ công ty con hàng năm phải trả cho công ty mẹ 1 khoản chi phí nhất định, gọi là chi phí quản lý. Thì ta phải xem bản chất của chi phí này là gì. Công ty mẹ có thực sự thực hiện dịch vụ tương ứng để nhận được khoản thanh toán này hay không? Hay chỉ đơn thuần là vẽ ra chi phí để đẩy chi phí lên, và chuyển tiền ra nước ngoài mà thôi. Đây là chuyện rất thường xảy ra ở các doanh nghiệp nha các bạn.
Sau khi mà xác định được bản chất của giao dịch thì chúng ta mới đi xác định xem giá chuyển nhượng đang áp dụng có phù hợp hay không. Nói chung là giống như nguyên tắc kế toán thôi. Phải xem bản chất giao dịch là gì, thì mới quyết định bút toán hạch toán phù hợp.
Vậy làm thế nào để xác định được bản chất của giao dịch liên kết?
Thực tế thì khó. Nhưng về lý thuyết thì việc này có thể được thực hiện bằng cách đối chiếu giữa văn bản (hợp đồng pháp lý hoặc văn bản, thỏa thuận giao dịch của các bên) với thực tiễn thực hiện. Nếu giống nhau thì không nói làm gì. Nhưng nếu khác nhau thì khi đó phải quay lại xem là thực tế làm là đúng bản chất hay văn bản mới là bản chất.
[2] Nguyên tắc “Phân tích so sánh với các giao dịch độc lập”
Giao dịch độc lập là giao dịch giữa các bên hoàn toàn không có quan hệ liên kết. Như trong ví dụ bên trên về A, B, C thì khi C bán cho B đó sẽ là giao dịch liên kết. Còn khi B bán cho các khách hàng ở Việt Nam thì đó sẽ là giao dịch độc lập.
Ở đây sở dĩ chúng ta phải lựa chọn các giao dịch độc lập để mà phân tích, so sánh với các giao dịch liên kết là vì giao dịch độc lập là giao dịch giữa các bên không có mối quan hệ liên kết. Nên không có lý do gì để họ phải sử dụng 1 mức giá không phù hợp cho hàng hoá, dịch vụ đúng không ạ? Thuận mua vừa bán thôi. Hay nói cách khác, giá của giao dịch độc lập sẽ phản ánh giá thị trường của giao dịch.
Như vậy, khi mà giá của 1 giao dịch liên kết khác với giá của 1 giao dịch độc lập tương đương thì ta sẽ phải đi tìm hiểu xem. Sự khác biệt này là do đâu? Và có hợp lý hay không?
Tuy nhiên cũng phải nói rằng, lý thuyết là vậy. Nhưng thực tế thì tìm được 1 giao dịch độc lập tương tự để mà so sánh không phải đơn giản nha các bạn. Trong văn bản cơ quan quản lý cũng yêu cầu việc so sánh này phải được thực hiện trên cơ sở: từng giao dịch đối với từng sản phẩm tương đồng. Và rõ ràng là phải chọn các giao dịch, các sản phẩm tương đồng với nhau thì việc so sánh mới có ý nghĩa. Chứ so sánh 1 giao dịch bán quạt với 1 giao dịch bán đồ ăn thì có làm cũng chả để làm gì.
Và sau khi đã tìm được “giao dịch độc lập tương đồng” để mà so sánh, thì chúng ta sẽ thực hiện phân tích so sánh trên các cái yếu tố so sánh. Yếu tố so sánh gồm đặc tính sản phẩm của hàng hóa, dịch vụ, tài sản; chức năng hoạt động và tài sản, rủi ro sản xuất kinh doanh; điều kiện hợp đồng và điều kiện kinh tế khi phát sinh giao dịch;
Nếu có chênh lệch trọng yếu thì sẽ phải thực hiện điều chỉnh trước khi thực hiện phân tích, so sánh.
2.3. Các phương pháp xác định giá của Giao dịch liên kết
Dựa vào đặc điểm của giao dịch liên kết & tính sẵn có của thông tin dữ liệu chúng ta sẽ lựa chọn phương pháp xác định phù hợp. Theo hướng dẫn tại Nghị định 132, chúng ta sẽ 3 phương pháp xác định giá:
- Phương pháp so sánh giá giao dịch liên kết với giá giao dịch độc lập
- Phương pháp so sánh tỷ suất lợi nhuận của người nộp thuế với tỷ suất lợi nhuận của các đối tượng so sánh độc lập
- Phương pháp phân bổ lợi nhuận giữa các bên liên kết
Tuy văn bản không có nói rõ, nhưng theo suy nghĩ của Ad thì 3 phương pháp này gần như sẽ là theo thứ tự giảm dần của mức độ sẵn có của thông tin. Sau đây chúng ta hãy đi xem từng phuơng pháp này thực hiện như nào nhé.
[1] Phương pháp so sánh giá giao dịch độc lập
Cách thực hiện:
Tên như nào thì cách làm đúng như vậy. Phương pháp này sẽ áp dụng triệt để nguyên tắc xác định giá số [2] mà chúng ta đề cập bên trên.
Cụ thể, chúng ta sẽ lấy giá của sản phẩm trong giao dịch độc lập để so sánh với giá của giao dịch liên kết. Giá sản phẩm trong giao dịch liên kết được điều chỉnh theo giá sản phẩm trong giao dịch độc lập hoặc giá trị giữa khoảng giá giao dịch độc lập chuẩn của các đối tượng so sánh độc lập theo quy định.
Tất nhiên để làm được điều này thì đòi hỏi chúng ta phải chọn được giao dịch độc lập mà có sự tương đồng với giao dịch liên kết của chúng ta theo quy định.
Vậy, thế nào là “tương đồng”?
Tạm hiểu là không có khác biệt về đặc tính sản phẩm và điều kiện hợp đồng làm ảnh hưởng trọng yếu đến giá sản phẩm. Trường hợp có các khác biệt ảnh hưởng trọng yếu đến giá sản phẩm, phải loại trừ các khác biệt trọng yếu này.
Ví dụ rất đơn giản là bây giờ 1 công ty con đi vay tiền của công ty mẹ. Vậy, để xác định được giá của giao dịch liên kết này, tức làm xem chi phí đi vay có phù hợp hay không. Thì chúng ta sẽ cần tìm giao dịch công ty con đi vay nhưng là vay của 1 bên độc lập. Sau đó, chúng ta sẽ xem các đặc điểm của giao dịch vay này có tương đồng với giao dịch đi vay công ty mẹ hay không:
- Quy mô khoản vay
- Điều kiện khoản vay
- Thời hạn chi trả lãi vay, gốc vay
- Các điều khoản phạt hợp đồng…
Nếu như giao dịch độc lập thoả mãn về các đặc điểm so sánh này thì khi đó ta mới sử dụng lãi suất của giao dịch độc lập để so sánh với lãi suất giao dịch liên kết.
Đối tượng áp dụng:
- Từng chủng loại hàng hóa, tài sản hữu hình, loại hình dịch vụ có điều kiện giao dịch, lưu thông phổ biến trên thị trường hoặc có giá được công bố trên các sàn giao dịch hàng hóa, dịch vụ trong nước và quốc tế;
- Giao dịch thanh toán phí bản quyền khi khai thác tài sản vô hình;
- Thanh toán lãi vay trong hoạt động vay và cho vay;
- Hoặc người nộp thuế thực hiện cả giao dịch độc lập và giao dịch liên kết đối với sản phẩm tương đồng về đặc tính sản phẩm và điều kiện hợp đồng;
[2] Phương pháp so sánh tỷ suất lợi nhuận
Đối tượng áp dụng
Phương pháp này áp dụng cho những trường hợp không áp dụng được phương pháp 1 và phương pháp 3 nha:
- Kiểu như người nộp thuế không có cơ sở dữ liệu và thông tin để áp dụng phương pháp 1.
- Hoặc người nộp thuế không tham gia vào các giao dịch liên kết tổng hợp để mà thực hiện phân bổ lợi nhuận cho các bên giống phương pháp 3.
Nguyên tắc áp dụng
Bản chất của phương pháp này là sử dụng tỷ suất lợi nhuận của đối tượng so sánh độc lập được chọn để mà xác định tỷ suất lợi nhuận của đối tượng nộp thuế.
Cụ thể phương pháp này sẽ bao gồm 3 cách làm sau, tuỳ từng trường hợp để lựa chọn:
Phương pháp | Cách thực hiện |
Tỷ suất lợi nhuận gộp trên doanh thu (Phương pháp giá bán lại) | Giá mua vào (GDLK) = Giá bán ra cho bên độc lập – Lợi nhuận gộp Trong đó: Lợi nhuận gộp = Giá bán ra của “Người nộp thuế” * Tỷ suất lợi nhuận gộp trên Doanh thu của “Bên so sánh độc lập” Ví dụ: A mua hàng từ bên liên kết B với giá 100. Sau đó A bán lại cho bên độc lập là C với giá 120. Biết rằng lợi nhuận gộp trên doanh thu của Bên so sánh độc lập được chọn là 10%. Khi đó: Lợi nhuận gộp = 120 * 10% = 12 Giá GDLK giữa A và B = 120 – 12 = 108 Ta thấy rằng giá hiện tại A mua từ B là 100 trong khi xác định theo phương pháp này lại là 108. Khi đó, 108 sẽ là giá được áp dụng trong việc kê khai thuế TNDN. |
Tỷ suất lợi nhuận gộp trên Giá vốn (Phương pháp giá vốn cộng lại) | Giá bán ra (GDLK) = Giá mua vào từ bên độc lập + Lợi nhuận gộp Trong đó: Lợi nhuận gộp = Giá vốn của “Người nộp thuế” * Tỷ suất lợi nhuận gộp trên giá vốn của “Bên so sánh độc lập” Ví dụ: A mua hàng từ bên độc lập C với giá 100. Sau đó A bán lại cho bên liên kết B với giá 120. Biết rằng lợi nhuận gộp trên giá vốn của Bên so sánh độc lập được chọn là 12%. Khi đó: Lợi nhuận gộp = 100 * 12% = 12 Giá GDLK giữa A và B = 100 + 12 = 112 Ta thấy rằng giá hiện tại A bán cho B với giá 120 trong khi xác định theo phương pháp này lại là 112. Khi đó, 112 sẽ là giá được áp dụng trong việc kê khai thuế TNDN. |
Tỷ suất lợi nhuận thuần | Tỷ suất lợi nhuận thuần của người nộp thuế thực hiện giao dịch liên kết được điều chỉnh theo tỷ suất lợi nhuận thuần của các đối tượng so sánh độc lập được chọn. Tỷ suất lợi nhuận thuần được sử dụng sẽ là tỷ suất lợi nhuận chưa trừ đi chi phí lãi vay & chi phí thuế TNDN và được xác định theo quy định của pháp luật về kế toán & thuế. |
Như vậy vấn đề cốt lõi ở đây cũng sẽ là phải chọn 1 đối tượng so sánh độc lập. Đối tượng so sánh độc lập phải không có khác biệt về chức năng hoạt động, tài sản, rủi ro; điều kiện kinh tế và phương pháp hạch toán kế toán với người nộp thuế. Trường hợp có các khác biệt ảnh hưởng trọng yếu đến tỷ suất lợi nhuận, khi đó phải loại trừ các khác biệt trọng yếu này.
[3] Phương pháp phân bổ lợi nhuận giữa các bên liên kết
Cách thực hiện
Cách thực hiện sẽ đúng như tên gọi. Chúng ta sẽ phải xác định được Tổng lợi nhuận của giao dịch liên kết mà các bên tham gia vào giao dịch có thể thu được. Bao gồm cả lợi nhuận thực tế và lợi nhuận tiềm năng. Sau đó thì lấy tổng lợi nhuận này phân chia cho từng bên liên kết. Việc phân chia, phân bổ có thể dựa vào doanh thu, chi phí, tài sản…
Phương pháp này đòi hỏi phải có lượng thông tin, chứng từ liên quan đến toàn bộ tập đoàn để mà xác định được Tổng lợi nhuận từ giao dịch liên kết của tập đoàn.
Ví dụ: Tổng lợi nhuận của giao dịch liên kết của tập đoàn là 100 tỷ. Trong đó, tổng doanh thu là 1.000 tỷ. Đối tượng nộp thuế có doanh thu là 10 tỷ. Như vậy, ta có thể phân chia tổng lợi nhuận từ giao dịch liên kết của tập đoàn cho đối tượng nộp thuế theo tỷ lệ doanh thu 10 tỷ/1000 tỷ = 1%. Lợi nhuận từ giao dịch liên kết của đối tượng nộp thuế = 100 tỷ * 1% = 1 tỷ
Đối tượng áp dụng
Người nộp thuế tham gia thực hiện giao dịch liên kết tổng hợp, đặc thù, duy nhất, khép kín trong tập đoàn. Ví dụ như: các hoạt động phát triển sản phẩm mới, sử dụng công nghệ độc quyền, tham gia vào chuỗi giá trị giao dịch độc quyền của tập đoàn… Vì là giao dịch khép kín nên rất khó để tìm được bên độc lập để so sánh, nên chỉ còn có cách là phân bổ lợi nhuận thôi. Mặc dù phương pháp này phải nói sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu thập thông tin.
Vậy thôi, cũng không phức tạp lắm đúng không?
Hy vọng qua bài viết này các bạn đã hiểu được các nội dung quan trọng nhất như bản chất chuyển giá là gì cũng như các mối quan hệ liên kết và phương pháp xác định giá chuyển nhượng. Hẹn gặp lại các bạn ở bài viết tiếp theo!
Có thể bạn quan tâm: Hệ thống bài giảng Thuế Việt Nam – ACCA F6 Lectures 2021
Rất hay, đơn giản, dễ hiểu, nói chung là cực kỳ hữu ích. Cám ơn Ad ạ.
Bài viết rất hay. Cảm ơn Ad đã chia sẻ.
Chị ơi cho em hỏi case này với ạ, Một công ty mẹ ở nước ngoài sở hữu một công ty con A tại Việt Nam, công ty con A sở hữu một công ty con B tại Việt Nam, A và B phát sinh giao dịch doanh thu thì có phải lập hồ sơ xác định giá giao dịch kiên kết cũng như kê khai không ạ
chị ơi chị có thể chia sẻ một số dạng bài tập liên quan đến TP được không ạ?
Cám ơn chị vì website rất tâm huyết này ạ. Em có một góp ý là chị cho thêm choox tìm kiếm để mn tìm nội dung muốn xem được dễ hơn ạ ^^
Hi em, Ad đã thử bổ sung vào rồi nha. Không biết đã OK chưa nữa. Cảm ơn em đã phản hồi để Ad cải thiện nhé. 🙂