CVP Analysis tương ứng với Chương 3 trong sách BPP F5 Performance Management. Theo Báo cáo của Examiners thì thí sinh thường xuyên mắc lỗi ở các dạng bài tập này. Lý do: Áp dụng công thức mà không hiểu bản chất nên chọn sai thông tin cần sử dụng. Vì sao lại xảy ra tình trạng này? Trả lời: Theo mình là do 3 nguyên nhân:
- Sách toàn bộ bằng tiếng anh. Chúng ta bị trở ngại khi muốn “hiểu” được bản chất của vấn đề
- Sách quá dài. Nhiều bạn mất kiên nhẫn nên lựa chọn phương án “học thuộc” thay vì cố gắng “hiểu”
- Không đọc đúng “thông tin quan trọng nhất” mà sách muốn truyền tải => không hiểu được bản chất
Bài viết này là dành cho các bạn gặp phải 3 vấn đề trên. Để làm chủ được chủ đề này trong 30 phút, mình đi trả lời 3 câu hỏi sau:
- Bức tranh toàn cảnh/Nội dung chính của chủ đề?
- Các vấn đề quan trọng cần học?
- Các dạng câu hỏi/bài tập thường gặp?
1. Nội dung chính của chủ đề
1.1 Chủ đề này nói về cái gì?
Mỗi 1 doanh nghiệp trước khi bắt đầu sản xuất đều phải tự hỏi: Cần phải sản xuất/tiêu thụ bao nhiêu sản phẩm thì mới không bị lỗ? Để trả lời được câu hỏi này, DN cần thực hiện phân tích Điểm hoà vốn (Breakeven analysis hay CVP analysis). Trong chủ đề này chúng ta sẽ học cách sử dụng phương pháp phân tích CVP để đưa ra quyết định quản trị của DN.
1.2 Vai trò của chủ đề trong môn F5 Performance Management?
Sau khi đã áp dụng các phương pháp tính giá thành và kế toán quản trị ở Phần 1 để thu thập và phân tích thông tin về giá thành đơn vị, chi phí sản xuất… Thì chúng ta sẽ chuyển sang Phần 2 – sử dụng các thông tin này để đưa ra các quyết định quản trị của DN. Chủ đề này là một trong các quyết định quản trị của DN trong quá trình quản lý hoạt động. Cụ thể, là quyết định thứ (1) trong các quyết định thuộc Phần 2 của môn F5:
- Quyết định về sản lượng hoà vốn/ sản lượng để đạt lợi nhuận mục tiêu
- Quyết đinh về kế hoạch sản xuất để tối đa hoá lợi nhuận gộp trong điều kiện có yếu tố giới hạn
- Các quyết định về giá
- Quyết định trong điều kiện có rủi ro & sự không chắc chắn
- Một số các quyết định trong ngắn hạn khác
2. Các vấn đề quan trọng cần học trong chủ đề
CVP là viết tắt cho Cost-Volume-Profit. CVP Analysis (hay Breakeven analysis) phân tích mối quan hệ giữa Chi phí – Lợi nhuận – Sản lượng nhằm phân tích ảnh hưởng của các mức sản lượng khác nhau lên lợi nhuận của DN. Từ đó xác định điểm hoà vốn và mức sản lượng để đạt lợi nhuận mục tiêu. Có nội dung quan trọng bạn cần học trong chủ đề này bao gồm:
- Các khái niệm cơ bản sử dụng trong CVP Analysis
- 4 giả định sử dụng
- Cách áp dụng CVP Analysis với 1 sản phẩm & nhiều sản phẩm
- Cách vẽ đồ thị (Breakeven chart và PV chart)
- Ưu nhược điểm của CVP Analysis
Chúng ta sẽ lần lượt đi tìm hiểu các nội dung này.
2.1. Các khái niệm cơ bản sử dụng trong CVP Analysis
Thực chất nếu bạn nào học F2 thì đã làm quen với CVP Analysis rồi. Tuy nhiên vì nhiều bạn sẽ được miễn F2 nên mình vẫn recap lại phần này.
- Điểm/Sản lượng hoà vốn (Break-even point): là mức sản lượng tại đó doanh thu đủ bù đắp chi phí. Tức là Lợi nhuận = 0.
- Doanh thu tại điểm hoà vốn (Break-even sales revenue): là doanh thu tương ứng tại sản lượng hoà vốn.
- C/S ratio: là tỷ lệ giữa Lợi nhuận gộp (Contribution) và doanh thu (sales). Trong đó contribution (= sales – variable costs) phản ánh công ty kiếm được bao nhiêu đồng lãi gộp trên 1 đồng doanh thu.
- Biên độ an toàn (Margin of safety): là chênh lệch giữa sản lượng kế hoạch và sản lượng tại điểm hoà vốn.
- Mức sản lượng để đạt lợi nhuận/lợi nhuận gộp mục tiêu (target profit/contribution): được xác định bằng sản lượng hoà vốn + sản lượng bổ sung (=Target profit/contribution per unit)
2.2. Các giả định sử dụng trong CVP Analysis
Rất nhiều bạn thường bỏ qua phần “giả định” khi học. Tuy nhiên đây là sai lầm chết người. Bởi vì thiếu kiến thức này, chúng ta sẽ không thể trả lời các câu hỏi “tại sao” mỗi khi xem đáp án của các bài tập. Dẫn đến tình trạng “học vẹt” và “lỗi áp dụng sai công thức”. Có 4 giả định bạn cần ghi nhớ trong phương pháp CVP:
(1) Có thể áp dụng cho nhiều sản phẩm khi các sản phẩm được bán theo cùng tỷ lệ mix hoặc cùng C/S ratio |
(2) Total Fixed costs là không thay đổi & Variable cost per unit là như nhau ở các mức sản lượng khác nhau |
(3) Giá bán(sales price) là như nhau ở mọi mức sản lượng |
(4) Sản lượng sản xuất = Sản lượng tiêu thụ. Nên mỗi khi đề bài nói “sản lượng” thì sẽ có nghĩa là cả sản lượng tiêu thụ và sản xuất nhé. |
2.3. Cách áp dụng CVP analysis với 1 sản phẩm và nhiều sản phẩm
Nội dung của Phân tích CVP bao gồm 5 phần:
- Xác định Điểm/Sản lượng hoà vốn (Break-even point)
- Xác định Doanh thu tại điểm hoà vốn (Break-even sales revenue)
- Tính C/S ratio
- Xác định Biên độ an toàn (Margin of safety) theo 2 cách
- Xác định mức sản lượng để đạt lợi nhuận/lợi nhuận gộp mục tiêu
1 ví dụ minh hoạ sẽ tốt hơn nghìn lời nói. Các bạn xem kỹ 2 Ví dụ liên quan (Video 2.3) để hiểu cách làm nhé.
2.4. Cách vẽ đồ thị (Breakeven chart và PV chart)
Hỏi: Chúng ta thi trên máy. Nên chắc chắn không bị yêu cầu vẽ đồ thị. Vậy tại sao vẫn phải học phần này? Trả lời: Bởi vì đề bài không yêu cầu vẽ. Nhưng có thể yêu cầu đọc hiểu Đồ thị để xác định các chỉ tiêu liên quan. Nên vẫn cần học để hiểu ý nghĩa của mỗi đồ thị. Đồ thị Hoà vốn (Breakeven chart)
- Cung cấp thông tin ước tính P/L tại các mức sản lượng khác nhau => Điểm hoà vốn
- Có thể vẽ cho 1 hoặc nhiều sản phẩm khi các sản phẩm được bán ở tỷ lệ mix không đổi
- Có nhiều cách vẽ để thể hiện thông tin về Điểm hoà vốn
Đồ thị PV Cung cấp thông tin về công ty & từng sản phẩm 1 cách riêng biệt. Bao gồm:
- Thông tin về điểm hoà vốn của công ty
- Ảnh hưởng của giá bán và sản lượng lên điểm hoà vốn & lợi nhuận công ty
- Sản phẩm nào nên được tăng cường sản xuất hoặc ngừng
Các bạn xem 2 Ví dụ liên quan trong phần 5 của Videos để hiểu cách “đọc” 2 loại đồ thị này nhé.
2.5. Ưu nhược điểm của CVP Analysis
Ưu điểm | Nhược điểm |
1. Có thể minh hoạ bằng Đồ thị Hoà vốn => Dễ hiểu | 1. Dựa trên các giả định không thực tế nên kết quả có thể không chính xác và không có giá trị cao |
2. Cho phép xác định mức lãi lỗ tại cứ bất cứ mức sản lượng nào trong mô hình | |
3. Phản ánh khả năng sinh lời của các sản phẩm với C/S ratio | 2. Chỉ thực hiện được khi có các ước tính về giá bán đơn vị & chi phí biến đổi đơn vị. Tuy nhiên giả định có thể không chắc chắn. Mà phương pháp này lại không xem xét sự không chắc chắn này trong kết quả |
4. Tập trung vào Điểm hoà vốn và Margin of Safety nên sẽ cung cấp cho nhà quản lý về mức độ rủi ro của việc SX |
3. Các dạng câu hỏi/bài tập thường gặp trong đề thi F5 Performance Management
Chủ đề này là 1 “key topic” cuả đề thi ACCA F5 Performance Management. Nên sẽ thường xuất hiện ở cả Section A,B và C của đề thi. Một số dạng câu hỏi/bài tập thường gặp là:
- Xác định sản lượng hoà vốn
- Xác định doanh thu hoà vốn
- Xác định C/S ratio
- Xác định Biên độ an toàn
- Xác định sản lượng để đạt lợi nhuận mong muốn.
Lưu ý: tình huống có thể cung cấp thông tin cho bạn bằng 1 đồ thị. Và yêu cầu bạn tính toán các chỉ tiêu bên trên hoặc “label” cho các thành phần của đồ thị. Các bạn xem Đề thi F5 Performance Management các năm trước để thực hành các dạng bài tập này nhé. Trong bài tiếp theo của Series F5 Performance Management Lectures, mình sẽ giải thích về kỹ thuật ra quyết định khi có nguồn lực giới hạn “Limiting Factor Analysis”.
Chào chị, em có thể pass môn F5 nếu học full time trong một tháng trước kỳ thi không ạ?
Em cảm ơn chị