Bài số 2 của Series hướng dẫn tự học ACCA F8 Audit and Assurance: Quy trình kiểm toán có các giai đoạn nào?
Như mình đã chia sẻ ở bài Kinh nghiệm tự học ACCA F8 Audit & Assurance, trước khi bắt đầu ôn tập chúng ta cần tìm hiểu Quy trình kiểm toán có các giai đoạn nào?
Tại sao lại như vậy?
Bởi vì khó khăn lớn nhất của chúng ta khi học F8 là: Lý thuyết quá dài. Ta thường bị mông lung không biết nội dung này trong sách có ý nghĩa gì? Hay lúc đọc đề thi thì không rõ câu hỏi này cần sử dụng kiến thức gì để giải quyết?
Do đó, chúng ta cần 1 cái mỏ neo để tham chiếu kiến thức. Để mỗi khi đọc nội dung trong sách, ta sẽ biết ý nghĩa của nội dung đó. Và khi đọc 1 câu hỏi, ta sẽ biết cần sử dụng kiến thức gì để giải quyết. Và các giai đoạn của quy trình kiểm toán chính là 1 cái khung tham chiếu hoàn hảo cho chúng ta.
1. Quy trình kiểm toán có các giai đoạn nào?
Có nhiều cách để phân chia quy trình kiểm toán thành các giai đoạn khác nhau. Đơn giản nhất thì quy trình kiểm toán có thể được chia thành 4 giai đoạn sau:
- Giai đoạn 1: Lập kế hoạch (“Planning”)
- Giai đoạn 2: Thực hiện Thử nghiệm kiểm soát (“Test of controls”)
- Giai đoạn 3. Thực hiện Thử nghiệm cơ bản (“Substantive tests”)
- Giai đoạn 4. Kết thúc cuộc kiểm toán (“Completion”)
Sau đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu các công việc chính cần thực hiện ở từng giai đoạn. Cũng như các chương tương ứng trong sách BPP thuộc từng giai đoạn này.
2. Giai đoạn 1 – Lập kế hoạch (“Planning”)
Giai đoạn này bao gồm 4 công việc lớn cần làm:
(1) Xem xét có nên chấp nhận hợp đồng kiểm toán hay không? (“Engagement acceptance”)
Đúng vậy. Đầu tiên kiểm toán viên sẽ cần:
- Cân nhắc xem có thoả mãn các nguyên tắc về Đạo đức nghề nghiệp để thực hiện hợp đồng không? Ví dụ như có mâu thuẫn lợi ích gì giữa kiểm toán viên và khách hàng không?
- Thiết lập các điều khoản của hợp đồng như: phạm vi dịch vụ, thời gian, phí…
(2) Thu thập thông tin về khách hàng ( “Obtain an Understanding of the Client and Its Environment including internal control”)
Để đưa ra các quyết định trong giai đoạn lập kế hoạch này, kiểm toán viên sẽ cần thu thập thông tin về:
- Đặc điểm hoạt động, ngành nghề kinh doanh, môi trường kinh doanh của khách hàng
- Đặc điểm về cơ cấu tổ chức, nhân sự…
- Hệ thống kiểm soát nội bộ
Thêm vào đó, kiểm toán viên có thể yêu cầu các báo cáo tài chính sơ bộ để xác định khối lượng công việc kiểm toán cần thiết.
(3) Đánh giá rủi ro (“Risk assessment”)
Sau khi đã thu thập được thông tin về khách hàng, kiểm toán viên sẽ:
- Sử dụng thủ tục phân tích (“Analytical procedures”) để đưa ra các đánh giá ban đầu về rủi ro kiểm toán (“Audit risks”).
- Xác định Mức trọng yếu của Báo cáo tài chính (“Materiality”) và mức độ trọng yếu cho từng khoản mục (“Performance Materiality”). Mức độ trọng yếu này sẽ ảnh hưởng đến quyết định về số lượng mẫu cần kiểm tra. Hay mức độ sai sót có thể dẫn đến ý kiến kiểm toán không chấp nhận toàn phần.
(4) Lập kế hoạch kiểm toán (“Audit planning”)
Sau khi đã xác định được rủi ro sơ bộ, chúng ta sẽ phải xây dựng chiến lược kiểm toán tổng thể (“Overall audit strategy”) & kế hoạch kiểm toán chi tiết (“Detailed audit plan”).
- Chiến lược kiểm toán tổng thể: sẽ xác định phạm vi, thời gian & phương hướng thực hiện cuộc kiểm toán. Ví dụ: các yêu cầu báo cáo tài chính cụ thể của ngành nghề; Số địa điểm cần đến; Thời gian báo cáo đến khách hàng; Việc trao đổi thông tin giữa kiểm toán viên và khách hàng…
- Kế hoạch Kiểm toán chi tiết: bao gồm nội dung, thời gian & phạm vi thực hiện các thủ tục kiểm toán mà đội kiểm toán sẽ thực hiện để thu thập bằng chứng kiểm toán đầy đủ để giảm rủi ro xuống mức chấp nhận được. Ví dụ: Thời gian thực hiện fieldwork; Phân công công việc trong đội kiểm toán; Thủ tục kiểm toán cần thực hiện cho các phần hành quan trọng; Mức độ trọng yếu của báo cáo tài chính…
Kế hoạch kiểm toán sẽ được cập nhật liên tục trong quá trình thực hiện cuộc kiểm toán.
Giai đoạn này tương ứng với Chương 4 (“Professional ethics”), Chương 6 (“Risk assessment”) và Chương 7 (“Audit Planning”) trong sách của BPP.
3. Giai đoạn 2 – Thực hiện Thử nghiệm kiểm soát (“Test of controls”)
Tại giai đoạn này, kiểm toán viên cần thực hiện các thủ tục kiểm toán để xác định liệu các hoạt động kiểm soát quan trọng của khách hàng có được thiết kế phù hợp & vận hành hiệu quả không? Các thủ tục này được gọi là Thử nghiệm kiểm soát.
Phần C (“Internal control”) trong sách của BPP tương ứng với giai đoạn này.
4. Giai đoạn 3 – Thực hiện Thử nghiệm cơ bản (“Substantive tests”)
Tại giai đoạn này, chúng ta cần thực hiện các thủ tục để xác định các sai sót trọng yếu trên BCTC. Hay nói cách khác là thu thập bằng chứng rằng Báo cáo tài chính được trình bày hợp lý. Các thủ tục kiểm toán này được gọi là Thử nghiệm cơ bản. Được chia làm 2 loại:
- Thủ tục phân tích (“Analytical procedures”): Với thủ tục này kiểm toán viên có thể thu thập bằng chứng về mối liên hệ giữa các dữ liệu tài chính & phi tài chính. Khi có sự biến động bất thường phát sinh, kiểm toán viên sẽ phải điều tra làm rõ.
- Kiểm tra chi tiết số dư các tài khoản, các giao dịch & trình bày thông tin (“Tests of details”): Cái tên đã nói lên tất cả. Với thủ tục này kiểm toán viên cần kiểm tra chi tiết các tài liệu chứng từ…
Thử nghiệm cơ bản sẽ được thực hiện cho từng chu trình/phần hành như: Tiền; Doanh thu & khoản phải thu; Tài sản cố định; Hàng tồn kho, Chi phí & Khoản phải trả; Tiền lương
Phần D (“Audit evidence”) trong sách của BPP tương ứng với Giai đoạn này.
5. Giai đoạn 4 – Kết thúc cuộc kiểm toán (“Completion”)
Sau thời gian fieldwork ở khách hàng để thu thập bằng chứng kiểm toán, chúng ta cần:
- Xem xét ảnh hưởng của các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc năm tài chính (“Subsequent events”) và Giả định hoạt động liên tục (“Going concern”) đến việc trình bày Báo cáo tài chính
- Thu thập thư giải trình của Ban quản lý (“Written representations”) nếu cần
- Tổng hợp các bằng chứng đã thu thập được để đánh gía tính đầy đủ của bằng chứng
- Thực hiện lại thủ tục phân tích (“Analytical procedures”) để đánh giá tổng thể việc trình bày của Báo cáo tài chính
- Đưa ra quyết định cuối cùng về việc trình bày Báo cáo tài chính của khách hàng & hình thành ý kiến kiểm toán tương ứng
- Phát hành Báo cáo kiểm toán và Báo cáo gửi cho Ban lãnh đạo của khách hàng về các điểm yếu trong hệ thống kiểm soát nội bộ
Phần E (“Review & Reporting”) trong sách của BPP sẽ thuộc về Giai đoạn này.
Vậy là chúng ta đã có câu trả lời cho câu hỏi “Quy trình kiểm toán có các giai đoạn nào?”. Và ta cũng xác định được luôn Phần C và Phần D chính là 2 nội dung lớn nhất của môn F8. Bởi vì F8 là kiểm toán ở cấp độ cơ bản nên sẽ tập trung vào những phần cơ bản mà junior cần làm ý.
Các bạn có thể tham khảo thêm Video ở đây nha:
Có thể bạn quan tâm: Các giai đoạn của quy trình kiểm toán