Chủ đề “Chuẩn mực Đạo đức nghề nghiệp” – “Professional Ethics” | ACCA F8/AA Lectures

Dù chưa đi làm nhưng chỉ cần có học về Kiểm toán thì chắc các bạn đều đã nghe về những vụ scandal nổi tiếng trong ngành của Enron hay Carillion . Lý do vì đi cùng bê bối của những công ty này là sự chỉ trích dành cho các công ty kiểm toán hàng đầu thế giới liên quan như Arthur Andersen hay KPMG. Trong những vụ bê bối này, hãng kiểm toán bị chỉ trích vì đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp của mình.

Có lẽ chính vì vậy nên ACCA đã và đang ngày càng củng cố, hoàn thiện khung văn bản về đạo đức nghề nghiệp. Và yêu cầu tất cả members, affiliates hay students của ACCA đều phải tuân thủ theo.

Trong suốt chương trình ACCA, chúng ta sẽ gặp chủ đề về Chuẩn mực Đạo đức nghề nghiệp – Code of Ethics and Conduct trong khá nhiều môn như F7/FR, F8/AA, SBL và cả SBR… Với F8/AA, chúng ta chỉ học qua về chủ đề này 1 chút, xoay quanh 3 nội dung chính:

  • Các nguyên tắc đạo đức cơ bản (“Fundamental principles”)
  • Các nguy cơ ảnh hưởng đến việc tuân thủ Nguyên tắc đạo đức cơ bản và các biện pháp phòng vệ (“Threats & Safeguards”)
  • Mâu thuẫn, xung đột lợi ích (“Conflicts of interest”)

Tuy nhiên, trước khi đi tìm hiểu chi tiết về 3 nội dung trên thì chúng ta cần phải làm rõ Code of Ethics là gì đã nhé.

Phần 1. Code of ethics là gì?

Vì kiểm toán là 1 nghề rất nhạy cảm. Kiểu như là “chứng nhận” tính hợp lý của Báo cáo tài chính của các công ty. Do vậy, người làm công việc kiểm toán sẽ cần phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về “đạo đức”. Và thông thường thì tổ chức nghề nghiệp ở mỗi nước sẽ ban hành các quy định này.

Với ACCA thì họ đã ban hành “Code of ethics and Conduct” như 1 phần của “Rulebook” yêu cầu mọi thành viên và sinh viên ACCA (trong bài viết này sẽ được gọi tắt là “Kiểm toán viên”) phải tuân theo.

Nói 1 cách đơn giản thì “Code of Ethics and Conduct” sẽ bao gồm:

  • Các nguyên tắc đạo đức cơ bản (“Fundamental principles”) và
  • Khung khái niệm (“Framework”) để đánh giá các vấn đề đạo đức phát sinh.

Phần 2. Các nguyên tắc đạo đức cơ bản (“Fundamental Principles”)

1. 5 nguyên tắc cơ bản về đạo đức nghề nghiệp mà KTV cần phải tuân theo

Như đầu bài viết Ad có đề cập, Authur Andersen và KPMG đều bị chỉ trích vì đã vi phạm các nguyên tắc đạo đức cơ bản nhất khi thực hiện kiểm toán cho Enron và Carillion. Cụ thể:

Với KPMG: họ bị chỉ trích vì đã không duy trì được sự thận trọng nghề nghiệp cần thiết khi thực hiện kiểm toán cho Carillion. Và hậu quả, không chỉ tổn hại về danh tiếng, KPMG còn bị phạt với mức kỷ lục £21 Million.

Arthur Andersen: họ bị cáo trạng vì chỉnh sửa, tiêu huỷ các bằng chứng liên quan đến khách hàng Enron trong cuộc điều tra. Và hậu quả, Arthur Andersen từ hãng tư vấn kế toán & kiểm toán TOP5 thế giới đã bị thu hồi giấy phép, đóng cửa. Điều đáng nói, không chỉ với Enron, hãng còn bị phát hiện liên đới trong 1 loạt sai phạm khi cung cấp dịch vụ cho các khách hàng khác.

Vậy các nguyên tắc đạo đức cơ bản mà KTV cần phải tuân thủ là gì?

Nguyên tắc cơ bảnÝ nghĩa
(1) Năng lực chuyên môn & tính thận trọng (“Professional competence & due care”)Duy trì kỹ năng, kiến thức cần thiết để đảm bảo khách hàng nhận được dịch vụ chuyên nghiệp chất lượng. Và hành động mẫn cán tuân theo các chuẩn mực nghề nghiệp.
(2) Chính trực (“Integrity”)Thẳng thắn và trung thực trong tất cả các mối quan hệ công việc, kinh doanh
(3) Hành xử chuyên nghiệp (“Professional behavior”)Tuân thủ với quy định và luật hiện hành. Tránh bất cứ hành động nào có thể làm tổn hại danh tiếng nghề nghiệp.
(4) Bảo mật (“Confidentiality”)Tôn trọng sự bảo mật của thông tin. Do đó không tiết lộ thông tin cho bên thứ 3 trừ khi được sự cho phép của khách hàng, cơ quan có thẩm quyền hoặc có bổn phận phải tiết lộ thông tin. Không được sử dụng thông tin cho lợi ích cá nhân hoặc bên thứ 3. Xem thêm ở phần (*) dưới đây.
(5) Khách quan (“Objectivity”)Không để thành kiến, mâu thuẫn lợi ích hay sự ảnh hưởng không thích hợp của những người khác làm thay đổi ý kiến, đánh giá của bạn.

Lưu ý về tính bảo mật “Confidentiality”:

(1) Tiết lộ thông tin vì nghĩa vụ (“Obligatory disclosure”)

Khi KTV biết hoặc nghi ngờ khách hàng đã phạm tội rửa tiền (Money-laundering); phản bội tổ quốc (“treason”); buôn bán ma tuý (“drug-trafficking”); khủng bố (“terrorist”); vi phạm pháp luật… KTV có nghĩa vụ để tiết lộ toàn bộ thông tin cho cơ quan có thẩm quyền.

(2) Tiết lộ thông tin tự nguyện (“Voluntary disclosure”)

KTV có thể tự nguyện tiết lộ thông tin trong 1 số trường hợp:

  • Việc tiết lộ thông tin là cần thiết để bảo vệ lợi ích của họ trong các tranh chấp pháp lý
  • Việc tiết lộ thông tin được cho phép bởi điều luật
  • Khi việc tiết lộ thông tin này là cần thiết cho lợi ích của cộng đồng
  • Việc tiết lộ thông tin là bắt buộc bởi cho các cơ quan phi chính phủ có thẩm quyền

(3) Các yếu tố cần cân nhắc các nhân tố khi quyết định tiết lộ thông tin:

  • Liệu lợi ích của tất cả các bên có thể bị tổn hại
  • Liệu toàn bộ thông tin liên quan đã được biết và được cung cấp
  • Thông tin nên được truyền tải như thế nào? và đến ai?
  • Liệu các bên tiếp nhận thông tin đã phù hợp?

Các KTV sẽ luôn phải cân nhắc liệu 5 nguyên tắc này có bị ảnh hưởng khi đưa ra các quyết định. Các bạn xem ví dụ dưới đây.

Tình huống

Bạn là 1 trong 3 partners của 1 công ty kiểm toán. Công ty ký hợp đồng kiểm toán cho 1 công ty mới và đang phát triển nhanh chóng. Công ty này đã bắt đầu kinh doanh với số lượng ít nhân viên nhưng số lượng nhân viên hiện giờ đã là 200.

Do mối quan hệ giữa bạn với các giám đốc/chủ sở hữu cũng như 1 số nhân viên của công ty, bạn phát hiện rằng nhân viên công ty mua hàng hoá công ty sản xuất. Và các giao dịch này không được phản ánh vào Hệ thống kế toán của công ty. Số tiền công ty thu được từ giao dịch này được sử dụng để tổ chức các buổi tiệc giáng sinh cho công ty.

Yêu cầu. Xác định các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp có thể bị ảnh hưởng?

  • Integrity: Liệu phần thu nhập bị bỏ qua này có làm cho BCTC bị hiểu sai không? Hành động này có phải là không trung thực, và sự liên quan của bạn đến vấn đề này?
  • Objectivity: Bạn có duy trì được sự khách quan khi đưa ra quyết định hành động?
  • Professional competence & due care: Bạn có đảm bảo rằng báo cáo kiểm toán của bạn là tuân thủ theo chuẩn mực & quy định?
  • Professional behaviour: Bạn nên hành động như nào để bảo vệ danh tiếng của công ty, danh tiếng và sự chuyên nghiệp của bạn?
  • Confidentiality: Cân nhắc xem liệu có bổn phận phải báo cáo thông tin này cho cơ quan có thẩm quyền không?

2. Tính độc lập của KTV (“Independence”)

Ngoài 5 nguyên tắc cơ bản này, thì ACCA còn có thêm 1 yêu cầu với các KTV cung cấp dịch vụ bảo đảm như kiểm toán hoặc soát xét. Đó là yêu cầu về Tính độc lập. Cụ thể, KTV cung cấp dịch vụ đảm bảo phải độc lập với khách hàng sử dụng dịch vụ đảm bảo.

Đây chính là lý do mà mỗi khi đi khách hàng các thành viên đội kiểm toán sẽ phải ký 1 cái Form kiểu như là cam kết về tính độc lập. Bạn nào đã đi làm rồi thì chắc là quá rõ phần này.

Tính độc lập sẽ luôn gắn liền với 2 nguyên tắc về sự khách quan và Tính liêm chính, chính trực.

Tính độc lập sẽ được thể hiện ở 2 khía cạnh:

  • Độc lập về tư tưởng, tinh thần – trạng thái tư duy cho phép đưa ra một kết luận mà không bị ảnh hưởng bởi những yếu tố có tính thỏa hiệp, qua đó cho phép một cá nhân hành động với sự chính trực, khách quan và sự thận trọng nghề nghiệp.  
  • Tính độc lập ở bề ngoài – tránh các sự kiện và tình huống nghiêm trọng đến mức một bên thứ ba hợp lý và có đầy đủ thông tin có thể kết luận rằng tính chính trực, khách quan hoặc thái độ thận trọng nghề nghiệp của công ty hoặc thành viên nhóm kiểm toán đã bị ảnh hưởng.

Tóm lại là, từ tâm trí đến bề ngoài đều phải độc lập hết á. Thì đó là về các nguyên tắc đạo đức cơ bản nhé. Kinh nghiệm của mình với phần này là: không dài nên nếu k hiểu thì cứ học thuộc thôi. 

Phần 3. Nguy cơ ảnh hưởng đến sự tuân thủ các nguyên tắc đạo đức cơ bản và các biện pháp phòng vệ (“Threats & Safeguards”)

“Threats” có thể phát sinh từ các mối quan hệ và các tình huống. 1 tình huống có thể làm phát sinh nhiều nguy cơ (“threats”). Và 1 nguy cơ có thể ảnh hướng đến nhiều nguyên tắc đạo đức cơ bản.

“Threats” được chia thành 5 nhóm:

(1) Nguy cơ do tư lợi (“Self-interest threat”)

Nội dung: là nguy cơ khi vấn đề tài chính hay các lợi ích khác sẽ ảnh hưởng không phù hợp đến hành vi hay phán quyết của KTV.

Các tình huống thường phát sinh nguy cơ này:

  • Có mối quan hệ kinh doanh mật thiết với khách hàng: Mối quan hệ kinh doanh mật thiết giữa công ty kiểm toán, thành viên đội kiểm toán hoặc “gia đình trực tiếp” của thành viên đó với khách hàng sẽ phát sinh từ các mối quan hệ làm ăn hoặc lợi ích kinh tế chung. Ví dụ: Cùng góp vốn vào 1 công ty liên doanh; 2 bên thoả thuận để cùng kết hợp sản phẩm, dịch vụ để đưa ra thị trường. Và để tiếp thị những sản phẩm này theo tên của 2 bên; khi công ty kiểm toán đóng vai trò phân phối hoặc tiếp thị sản phẩm của khách hàng… Vậy, khi công ty kiểm toán mua hàng từ khách hàng thì sao? Nếu mua với mức giá “thị trường” thì về cơ bản là không sao cả. Tuy nhiên, bản chất hoặc quy mô của giao dịch có thể tạo ra nguy cơ tư lợi.
  • Là nhân viên tạm thời của công ty khách hàng: Công ty kiểm toán có thể cho khách hàng mượn nhân viên. Khi đó: chỉ được phép trong thời gian ngắn. Và nhân viên được cho mượn sẽ phải là người không tham gia hoạt động quản lý…
  • Thành viên của công ty kiểm toán là nhân viên của khách hàng: nhân viên kiểm toán có thể có động cơ để gây ấn tượng với “ông chủ tương lai”. Hoặc 1 audit parter trở thành Financial Director cũng tương tự. Vì anh ta sẽ quá hiểu biết về hệ thống của công ty kiểm toán.
  • Partner thuộc thành viên hội đồng quản trị của công ty khách hàng
  • Khi thành viên của đội kiểm toán được đánh giá dựa trên việc cung cấp các dịch vụ không đảm bảo (non-assurance services) cho khách hàng. Nguy cơ tư lợi sẽ phát sinh. Lý do vì thành viên này có thể “chiều lòng” khách hàng để bán được dịch vụ. Và tư đó đạt được kết quả đánh giá tốt ở công ty.
  • Nợ một phần phí kiểm toán (Percentage of contingency fee) hay trả phí chậm (Overdue fee)
  • Hợp đồng với khách hàng chiếm trên 15% doanh thu hàng năm của công ty kiểm toán trong vòng 2 năm liên tiếp.
  • Hạ giá phí (Low balling/price breaking): khi công ty kiểm toán chào khách hàng mức giá thấp hơn hẳn mức phí của các hãng kiểm toán trước đó. Phát sinh nguy cơ tư lợi kiểu công ty hạ mức phí để đạt được hợp đồng đó.

(2) Nguy cơ tự soát xét lại công việc “Self-review threat”

Nội dung: là nguy cơ KTV không đánh giá một cách thích hợp kết quả từ các xét đoán (“judgement”) hay kết quả dịch vụ được thực hiện bởi KTV đó, hay bởi bất cứ cá nhân nào trong công ty. Mà KTV sẽ dựa vào những xét đoán hay kết quả dịch vụ này để hình thành nên xét đoán cho các dịch vụ hiện tại.

Tình huống thường phát sinh nguy cơ:

Công ty kiểm toán vừa thực hiện dịch vụ kiểm toán vừa thực hiện các dịch vụ:

  • Accounting and review: Dịch vụ kế toán
  • Internal control: Dịch vụ kiểm soát nội bộ
  • Corporate finance: Tài chính doanh nghiệp
  • Tax: Dịch vụ thuế

(3) Nguy cơ về sự bào chữa “Advocacy threat”

Nội dung: Nguy cơ khi KTV tìm cách bênh vực khách hàng hoặc doanh nghiệp, tổ chức nơi mình làm việc tới mức làm ảnh hưởng tới tính khách quan của bản thân.

Tình huống thường phát sinh nguy cơ này:

  • Legal service: Công ty kiểm toán vừa cung cấp dịch vụ kiểm toán vừa cung cấp dịch vụ tư vấn Luật
  • Corporate finance: Công ty kiểm toán vừa cung cấp dịch vụ kiểm toán vừa cung cấp dịch vụ về tài chính doanh nghiệp
  • Contingency fee: Nợ phí kiểm toán

(4) Nguy cơ từ sự thân thuộc (“Familiarity threat”)

Nội dung: Nguy cơ này có thể xảy ra do các mối quan hệ thân thuộc mà KTV trở nên đồng tình đối với lợi ích của những người khác.

  • Recent service with client (Close business relationship): Mối quan hệ lâu năm với khách hàng
  • Family & personal relationship: Có mối quan hệ gia đình hoặc mối quan hệ cá nhân với khách hàng

(5) Nguy cơ bị đe doạ (“Intimidation threat”)

Nội dung: Nguy cơ KTV bị ngăn cản hành xử một cách khách quan do các đe dọa có thực hoặc do cảm nhận thấy. Bao gồm cả việc nỗ lực để thực hiện dưới ảnh hưởng chi phối từ KTV.

Tình huống thường phát sinh nguy cơ này:

  • Close business relationship: Mối quan hệ thân thiết lâu năm
  • Litigation: Kiện tụng tranh chấp
  • Percentage of contingency fee: Nợ một phần phí kiểm toán
  • Family & personal relationship: Có mối quan hệ gia đình hoặc mối quan hệ cá nhân với khách hàng
  • Assurance staff member move to employment with client: Nhân viên chuyển sang làm nhân viên của khách hàng

Ví dụ 2 (June/2017)

Bạn là giám sát kiểm toán của C & Co và đang lập kế hoạch kiểm toán cho khách hàng là H Co. Đây là 1 công ty niêm yết cho năm tài chính 31.3.2019. Có các thông tin liên quan sau:

Giám đốc tài chính muốn thông báo kết quả tài chính cho thị trường chứng khoán sớm hơn năm ngoái. Anh ta đã hỏi bạn xem liệu cuộc kiểm toán có thể hoàn thành sớm hơn không. Ngoài ra, H Co đang có ý định đề xuất chi trả cổ tức ngay khi BCTC được kiểm toán xong.

Giám đốc tài chính của H Co đã thông báo cho Partner của hợp đồng kiểm toán: 1 trong các giám đốc không điều hành (NEDs) của H Co vừa từ chức. Và yêu cầu các partners của C & Co có thể hỗ trợ H Co tuyển dụng người thay thế không. Cụ thể, anh ta yêu cầu người soát xét kiểm soát chất lượng hợp đồng (“the engagement quality control reviewer”) của C Co năm nay hỗ trợ H Co trong việc tuyển dụng này. Người này cũng là giám đốc hợp đồng kiểm toán (“the audit engagement partner”) của H Co vào năm ngoái .

Biết rằng công ty bạn cũng cung cấp dịch vụ thuế cho H Co theo dạng quyết toán thuế cùng với tư vấn về lập kế hoạch thuế. Giám đốc tài chính H Co đã gợi ý cho uỷ ban kiểm toán của H Co: Phí kiểm toán năm nay nên được dựa trên lợi nhuận kế toán trước thuế. Tại ngày hôm nay, 20% của phí kiểm toán năm ngoái đang bị quá hạn 3 tháng.

Yêu cầu: Xác định các mối đe doạ đến các nguyên tắc đạo đức cơ bản?

Đáp án:

Dấu hiệu 1. GĐTC của H Co đang muốn báo cáo kết quả tài chính của H Co sớm hơn thường lệ và hỏi xem cuộc kiểm toán có thể hoàn thành theo thời hạn sớm hơn không?

Điều này có thể gây ra Nguy cơ bị đe doạ (“intimidation threat”) cho đội kiểm toán vì họ có thể cảm thấy áp lực để làm 1 cách nhanh nhất và không đưa ra các phát hiện để sao cho kịp thời hạn. Và điều này có thể gây hại tới tính khách quan của đội kiểm toán và chất lượng của cuộc kiểm toán.

Dấu hiệu 2. 1 thành viên NED của H Co mới từ nhiệm & các giám đốc hỏi liệu các partners của C Co có thể hỗ trợ họ trong việc tuyển dụng thành viên mới cho vị trí này không?

Điều này có thể gây ra nguy cơ tư lợi (“a self-interest threat”). Bởi vì công ty kiểm toán không thể thực hiện việc tuyển dụng cho các thành viên BOD của H Co như yêu cầu. Đặc biệt là 1 thành viên NED sẽ có vai trò quan trọng trong việc giám sát quá trình kiểm toán & hãng kiểm toán.

Dấu hiệu 3. Người soát xét kiểm soát chất lượng hợp đồng (EQCR) được bổ nhiệm ở H Co là “Audit engagement parter” tại H Co các năm trước

Partner này đã liên kết với H Co trong thời gian dài. Do đó, có thể phát sinh nguy cơ từ sự thân thuộc (“Familiarity threat”). Bởi vì có thể sẽ không duy trì được sự thận trọng nghề nghiệp & tính khách quan.

Dấu hiệu 4. C Co cung cấp dịch vụ thuế, hợp đồng kiểm toán. Và các dịch vụ này có thể liên quan đến việc tuyển dụng thành viên NED cho H Co.

Đây là mối đe doạ do tư lợi hoặc bị đe doạ khi tổng mức phí có thể chiếm tỷ trọng lớn trong thu nhập của C Co. Và hãng có thể trở nên quá phụ thuộc vào H Co. Từ đó khiến cho C Co trở nên không khách quan do lo sợ bị mất khách hàng quan trọng.

Dấu hiệu 5. Giám đốc tài chính đã gợi ý rằng mức phí kiểm toán nên dựa trên LNKT trước thuế của H Co. Điều này có thể hình thành “Contingent fee”.

“Contingent fees” làm phát sinh nguy cơ do tư lợi và bị nghiêm cấm bởi Code of Ethics & Conduct. Nếu mức phí kiểm toán dựa trên lợi nhuận, đội kiểm toán có thể có khuynh hướng bỏ qua các điều chỉnh kiểm toán mà có thể dẫn đến lợi nhuận bị giảm.

Dấu hiệu 6. Tại ngày hôm nay, 20% mức phí kiểm toán năm ngoái vẫn còn bị nợ và đá quá hạn 3 tháng.

Điều này có thể làm phát sinh nguy cơ tư lợi nếu phí kiểm toán vẫn còn bị nợ. Do C Co có thể bị áp lực đồng ý với các điều chỉnh kiểm toán để mà thu được phí kiểm toán năm trước và năm nay. Ngoài ra, mức phí còn nợ cũng có thể được nhìn nhận là 1 khoản vay của C Co cho H Co mà điều này bị cấm tuyệt đối.

3. Hành động ngăn chặn các nguy cơ ảnh hưởng đến các nguyên tắc đạo đức (“Safeguards”)

Safeguards: là các hành động/biện pháp có thể hạn chế hoặc giảm các nguy cơ xuống mức có thể chấp nhận. “Safeguards” có thể được chia thành 2 nhóm:

(1) “Safeguards” tạo ra bởi các quy định, luật lệ…

Ví dụ như:

  • Các yêu cầu về kinh nghiệm, đào tạo…để được hành nghề
  • Các yêu cầu về tiếp tục phát triển các kỹ năng nghề nghiệp
  • Các quy định về quản trị doanh nghiệp
  • Các chuẩn mực nghề nghiệp
  • Soát xét bởi 1 bên thứ 3 có thẩm quyền đối với: các báo cáo,

(2) “Safeguards” trong môi trường công việc

Do các công ty kiểm toán thiết lập để bảo đảm nhân viên của họ tuân thủ theo các nguyên tắc đạo đức.

Ví dụ 3. Với mỗi nguy cơ đã xác định ở trên, hãy đưa ra các hành động bảo vệ tương ứng.

Đáp án.

Nguy cơ 1. “Engagement partner” nên thảo luận với Giám đốc tài chính xem cuộc kiểm toán có thể bắt đầu sớm hơn không. Do đó, có thể đủ thời gian cần thiết cho đội kiểm toán để thu thập đầy đủ bằng chứng.

Nếu không được, partner nên thông báo 1 cách lịch sự cho Giám đốc tài chính rằng đội kiểm toán cần thực hiện cuộc kiểm toán theo quy định của ISAs và các thủ tục kiểm soát chất lương. Do vậy, cuộc kiểm toán không thể hoàn thành sớm hơn được. Nếu nguy cơ này vẫn còn hoặc nguy cơ bị đe doạ vẫn tiếp tục, C Co có thể cần thiết cân nhắc để rút khỏi hợp đồng này.

Nguy cơ 2. C Co có khả năng hỗ trợ H Co trong việc tuyển dụng theo cách: C Co đảm nhiệm vai trò như xem xét danh sách các ứng viên và bằng cấp, khả năng, sự phù hợp của họ. Tuy nhiên, C Co phải đảm bảo không đảm nhiệm vai trò của nhà quản lý của H Co. Ví dụ: tìm kiếm ứng viên cho vị trị trí hay đưa ra quyết định tuyển dụng cuối cùng…

Nguy cơ 3. Theo quy định: Với công ty niêm yết, khi 1 cá nhân là “Key audit Partner” trong 7 năm cho 1 khách hàng, anh ta phải được “quay vòng” trong 2 năm. Trong thời gian này, anh ta không thể tham gia đội kiểm toán; Hay tư vấn cho đội kiểm toán, khách hàng về bất cứ vấn đề gì mà có thể ảnh hưởng hợp đồng kiểm toán. Theo đó, 1 vị trí khác nên được chỉ định để đảm nhiệm vai trò EQCR cho hợp đồng năm nay.

Nguy cơ 4. C Co nên đánh giá liệu tổng mức phí có chiếm hơn 15% tổng thu nhập trong 2 năm liên tiếp không? Nếu phí tái tục có thể vượt quá 15% thu nhập năm đó, công ty cần cân nhắc thêm xem liệu có nên thực hiện các dịch vụ tuyển dụng & thuế không?

Ngoài ra, nếu mức phí vượt quá 15%, điều này nên được thông tin tới ban quản trị của H Co. Và nếu C & Co duy trì thực hiện tất cả các dịch vụ, C & Co nên sắp xếp 1 cuộc soát xét bởi kiểm toán viên bên ngoài trước khi hoặc sau khi phát hành ý kiến kiểm toán.

Nguy cơ 5. C & Co sẽ không có khả năng được chấp nhận “Contingent fees”. Và nên trao đổi với ban quản trị của H Co rằng: Phí của cuộc kiểm toán độc lập nên được dựa trên thời gian thực hiện & trình độ kỹ năng và kinh nghiệm của thành viên đội kiểm toán.

Nguy cơ 6. C & Co nên thảo luận với Ban quản trị của H Co lý do tại sao 20% phí kiểm toán năm ngoái chưa được thanh toán. 1 lịch thanh toán mới nên được 2 bên quyết định. Sao cho phí tồn đọng được thanh toán trước khi công việc kiểm toán cho năm nay được thực hiện.

Phần 4. Mâu thuẫn lợi ích (Conflict of interests)

Đây là 1 tình huống đặc thù thường xuyên xảy ra trong thực tế. Tình huống này có thể dẫn đến các nguy cơ ảnh hưởng đến 5 nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp. Hay nói cách khác là khiến cho kiểm toán viên có thể không giữ được sự độc lập của mình.

Mâu thuẫn lợi ích bao gồm:

  • Mâu thuẫn lợi ích giữa các thành viên kiểm toán và khách hàng: tình huống phát sinh khi thành viên kiểm toán cạnh tranh trực tiếp hoặc tham gia liên doanh với 1 công ty cạnh tranh với khách hàng.
  • Mâu thuẫn lợi ích giữa các khách hàng khác nhau: tình huống thường gặp nhất là khi các khách hàng là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với nhau. Và kiểm toán viên có quyền tiếp cận các thông tin nhạy cảm.

Để đưa ra giải pháp, KTV cần cân nhắc các yếu tố sau:

  • Các sự kiện liên quan
  • Vấn đề đạo đức phát sinh
  • Các nguyên tắc đạo đức cơ bản liên quan đến tình huống
  • Các quy trình nội bộ đã được thiết lập
  • Các hành động/quyết định có thể sử dụng

Sau khi đã cân nhắc, nếu KTV vẫn không xác định được hành động thích hợp. KTV sẽ cần tư vấn của người phù hợp trong công ty để tìm ra giải pháp. Thậm chí là liên lạc với ACCA hoặc tư vấn luật.

Ví dụ 4.

Bạn là giám sát kiểm toán của H Co. Và bạn đang soát xét các giấy tờ làm việc mô tả quy trình mua hàng & phải trả của khách hàng C Co. C Co là nhà bán lẻ sách và có 10 cửa hàng và 1 nhà kho chính. H Co gần đây có chấp nhận hợp đồng kiểm toán cho 1 khách hàng mới N Co. N Co là đối thủ chính của C Co. Giám đốc tài chính của C Co đang hỏi làm thế nào H Co có thể giữ bảo mật thông tin thu được trong quá trình kiểm toán.

Yêu cầu: Xác định các biện pháp bảo vệ để xử lý mâu thuẫn lợi ích.

Đáp án

  • Cả C Co và đối thủ N Co đều cần được lưu ý rằng H Co sẽ là kiểm toán viên cho đối thủ của mình. Và nếu cần, sẽ phải thu thập sự đồng ý của mỗi bên.
  • Sử dụng nhân sự riêng để thực hiện hợp đồng (Engagement partners khác, thành viên đội kiểm toán). Khi 1 thành viên được sử dụng để kiểm toán cho 1 khách hàng, thì cần được ngăn không tham gia kiểm toán cho đối thủ kia trong 1 khoảng thời gian nhất định.
  • Các quy trình, thủ tục để ngăn chặn sự tiếp cận tới các thông tin, dữ liệu của nhân sự tham gia kiểm toán cho 2 khách hàng này
  • Hướng dẫn rõ ràng cho từng thành viên của 2 đội ngũ kiểm toán về vấn đề an toàn & bảo mật. Những hướng dẫn này có thể được bao gồm trong Audit Engagement Letters.
  • Sử dụng các thoả thuận bảo mật được ký với nhân viên và partners của H Co
  • Thường xuyên giám sát việc áp dụng các biện pháp bảo vệ phải được thực hiện bởi 1 nhân viên cấp cao của H Co. Và người này phải là không tham gia các cuộc kiểm toán trên.

Vậy là xong. Hy vọng các bạn đã có câu trả lời cho “Code of ethics là gì?”.

Tài liệu tham khảo:

https://www.britannica.com/event/Enron-scandal

https://www.theguardian.com/business/2023/oct/12/kpmg-fined-record-21m-over-carillion-audit-failures

You cannot copy content of this page

Lên đầu trang