“Financial ratios” hay “Accounting ratios” tạm dịch là các chỉ số tài chính. Đây là 1 trong 3 dạng bài tập chủ chốt của đề thi môn F7 Financial Reporting. Xu hướng đề thi như vậy là để phản ánh thực tế: các kế toán không chỉ biết lập Báo cáo tài chính mà phải biết phân tích Báo cáo tài chính. Vậy nên, trong bài viết này chúng ta hãy đi tìm hiểu xem: Financial ratios là gì? Và cách vận dụng các chỉ số tài chính trong phân tích Báo cáo tài chính?
Có thể bạn quan tâm: Tổng hợp các dạng bài tập của đề thi ACCA F7 Financial Reporting
Ah, chủ đề này tương đương chương 19 & 20 trong sách BPP các bạn nhé!
Nội dung bài viết gồm 3 phần:
- (1) Financial ratios là gì? Giới thiệu tổng quát các chỉ số tài chính thường gặp?
- (2) Cách tính các chỉ số tài chính và ý nghĩa?
- (3) Các tình huống thường gặp về “Financial ratios” trong đề thi và các bước xử lý?
Phần 1. Financial ratios là gì?
Mục đích của Báo cáo tài chính chính là cung cấp thông tin cho người sử dụng. Tuy nhiên mọi thông tin trên Báo cáo tài chính không phải đều được “dọn sẵn”. Chúng ta cần phải biết “sử dụng” & “biến đổi” các thông tin “sẵn có” trên Báo cáo tài chính thành các thông tin ở tầng sâu hơn, có ý nghĩa hơn.
Trong phạm vi môn F7, chúng ta sẽ học cách phân tích Báo cáo tài chính qua việc tìm hiểu 4 nhóm tỷ số tài chính:
- Profitability & Return
- Solvency & stability
- Efficiency (turnover ratios)
- Shareholders’ investment ratios
Trong từng nhóm này lại gồm nhiều chỉ tiêu khác nhau. Các bạn xem sơ đồ tóm tắt sau:
Bằng việc tính ra các chỉ số tài chính này của công ty cho năm hiện tại. Sau đó so sánh với năm cũ hoặc so với các doanh nghiệp cùng ngành. Chúng ta sẽ đánh giá được tình hình tài chính hiện tại của công ty là tốt hay xấu? đang tốt lên hay xấu đi?
Sai làm cơ bản nhất của thí sinh với chủ đề này là chỉ học công thức mà không hiểu bản chất nên:
- Không biết khi nào cần tính/sử dụng tỷ lệ nào để phân tích
- Áp dụng sai công thức tính toán chỉ số tài chính
Vậy nên trước khi đi vào xử lý các tình huống thường gặp, chúng ta cần tìm hiểu cách tính & ý nghĩa các chỉ số tài chính sử dụng trong đề thi F7.
Phần 2. Cách tính các chỉ số tài chính và ý nghĩa
2.1. Nhóm chỉ số tài chính đo lường lợi nhuận (“Profitability ratios/Return ratios”)
Tỷ suất | Công thức tính | Ý nghĩa |
(1) Tỷ suất lợi nhuận gộp (“Gross profit margin”) | (Sales – COS)/ Sales | Phản ánh 1 công ty còn lại bao nhiêu % lợi nhuận sau khi chi trả cho chi phí sản xuất, để bù đắp cho chi phí hoạt động, thanh toán nợ vay & các chi phí kinh doanh khác. |
(2) Tỷ suất lợi nhuận ròng (“Net profit margin”) (*) | Profit after tax / Sales | Phản ánh 1 công ty còn lại bao nhiêu % lợi nhuận sau khi chi trả toàn bộ chi phí phát sinh. Tỷ lệ này và Gross profit margin đều sẽ phản ánh “sức khoẻ tài chính tổng quát” của doanh nghiệp. |
(3) Tỷ suất lợi nhuận trên vốn ROE (“Return on equity”) | Profit after tax & preference dividend / Equity shareholders funds (%) | Thể hiện mức độ hiệu quả khi sử dụng vốn của cổ đông (Vốn chủ sở hữu). Hay nói cách khác: 1 đồng vốn của cổ đông bỏ ra thì thu được bao nhiêu đồng lời. Về lý thuyết: ROE càng cao thì khả năng sử dụng vốn càng có hiệu quả. Những cổ phiếu có ROE cao thường được nhà đầu tư ưa chuộng hơn. Và tất yếu những cổ phiếu có chỉ số ROE cao cũng có giá cổ phiếu cao hơn. Một trong những tiêu chí đánh giá công ty có đủ năng lực tài chính theo chuẩn quốc tế, thì chỉ số ROE phải đạt mức tối thiểu 15%. |
(4) Tỷ lệ sinh lời trên vốn ROCE (“Return on capital employed”) (**) | Profit before interest & tax / Capital employed
Trong đó: Capital employed = Total assets – Current liabilities = Equity + Non-current liabilities | Thể hiện mức độ hiệu quả khi sử dụng vốn từ tất cả các nguồn vốn bao gồm VCSH & nợ của công ty. Hay nói cách khác: 1 đồng vốn của công ty bỏ ra thì thu được bao nhiêu đồng lời. Đối với những nhà đầu tư mới gia nhập sân chơi thì ROCE là một chỉ số tốt để so sánh khả năng sinh lời của các công ty. Các nhà đầu tư cũng nên so sánh ROCE của một công ty với chi phí vay vốn hiện tại. ROCE đo lường khả năng huy động vốn theo một cách ít tốn kém nhất của công ty. ROCE cao là bằng chứng về việc sử dụng vốn hiệu quả. Không có tiêu chuẩn cho ROCE là bao nhiêu thì tốt. Nhưng thông thường ROCE ít nhất phải cao gấp đôi tỉ lệ lãi suất. |
Lưu ý:
(*) Net profit margin tuỳ từng trường hợp mà có thể được tính toán theo công thức khác nhau. VD: sử dụng Operating profit hoặc Profit after tax hoặc Profit before tax… Công thức đề cập chỉ là công thức thường sử dụng. Cần đọc kỹ đề bài để xem cần sử dụng công thức nào.
(**) Để tìm ra nguyên nhân ROCE cao hay thấp, ROCE có thể được tính và phân tích theo công thức:
ROCE = PBIT / Capital employed = (PBIT/Sales) * (Sales/Capital employed) = Profit margin * Asset turnover
Trong đó:
- Profit margin: phản ánh khả năng tạo ra bao nhiêu đồng lợi nhuận từ 1 đồng doanh thu.
- Asset turnover: phản ánh hiệu quả sử dụng tài sản. Nghĩa là xem 1 đồng tài sản tạo ra bao nhiêu đồng doanh thu.
(***) Giá trị của các chỉ số này sẽ phụ thuộc vào cơ sở tài sản mà chúng ta sử dụng:
- Historical cost = Giá trị ghi sổ
- Fair Value = Giá trị hợp lý
Bởi vì cơ sở tài sản này sẽ làm ảnh hưởng đến chi phí khấu hao/lợi nhuận & giá trị còn lại của tài sản/Capital employed. Khi làm bài, chúng ta cần đọc kỹ đề bài để xem cần sử dụng cơ sở tài sản nào.
2.2. Các chỉ số tài chính phản ánh tính thanh khoản & ổn định (“Solvency & Stability ratios”)
Tính thanh khoản & ổn định tài chính của 1 công ty cần được xem xét trong cả dài hạn & ngắn hạn:
Trong dài hạn
Tỷ suất | Công thức tính | Ý nghĩa |
(1) Hệ số nợ (“Debt ratio”) | Total debts / Total assets | Phản ánh mối liên hệ giữa các khoản nợ của 1 công ty với giá trị tài sản của nó. Từ đó thể hiện gánh nặng nợ nần 1 công ty đang phải gánh chịu. Khi 1 công ty có hệ số nợ cao: rủi ro tài chính cao, có thể mất khả năng thanh khoản. Các tổ chức tín dụng sẽ không muốn cho công ty vay thêm. Không có tiêu chuẩn chung. Nhưng thông thường 50% sẽ là hệ số an toàn. |
(2) Hệ số đòn bẩy tài chính (“Gearing ratios” hoặc “Leverage”) | (Non-current liabilities / Capital employed) % | Phản ánh % tài sản được tài trợ từ vốn vay. Hệ số gearing càng cao chứng tỏ khả năng tự chủ càng thấp. Rủi ro tài chính càng cao. Không có tiêu chuẩn chung. Nhưng thông thường > 50% sẽ được coi là cao. |
(3) Hệ số VCSH/Tài sản (“Equity to assets ratio”) | (Equity / Capital employed) % | Phản ánh % tài sản được tài trợ từ VCSH. Hệ số càng cao chứng tỏ khả năng tự chủ càng cao. Rủi ro tài chính càng thấp. Không có tiêu chuẩn chung. Nhưng thông thường > 50% sẽ được coi là cao. |
(4) Hệ số bù đắp lãi vay (“Interest cover”) | PBIT / Interest charges | Phản ánh 1 công ty có kiếm đủ lợi nhuận trước thuế & lãi vay để chi trả cho chi phí lãi vay hay không. Hệ số càng cao chứng tỏ lợi nhuận ổn định. Không có tiêu chuẩn chung. Nhưng thông thường hệ số <= 2 sẽ được coi là thấp. |
(5) Hệ số dòng tiền (“Cash flow ratio”) | Net cash inflow/ Total debts | Phản ánh tình hình “dự trữ tiền” để thanh toán các nghĩa vụ nợ trước mắt & các cam kết trong tương lai của công ty. |
Trong ngắn hạn
Khi đánh giá khả năng thanh toán của công ty trong ngắn hạn, chúng ta sẽ thường xuyên sử dụng thuật ngữ: “Liquidity” – Giá trị thanh khoản. Hiểu đơn giản nó là giá trị tiền công ty có thể sử dụng 1 cách nhanh chóng để thanh toán các khoản nợ & đáp ứng các nhu cầu thanh toán đột xuất khác. Bao gồm: tiền, các khoản đầu tư ngắn hạn dễ dàng chuyển đổi sang tiền, các khoản phải thu, hối phiếu phải thu…
Để đánh giá mức độ thanh khoản của 1 công ty trong môn F7, chúng ta sử dụng 3 chỉ tiêu sau:
Tỷ suất | Công thức tính | Ý nghĩa |
(1) Vòng quay vốn lưu động (“Working capital cycle”/”Cash operating cycle”/ “Trading cycle”/ “Cash conversion cycle”) | Inventory days + Receivable days – Payable days | Là thời gian từ khi công ty trả tiền cho nhà cung cấp cho đến khi thu được tiền từ khách hàng.
Vòng quay này càng dài thì thời gian tiền bị đọng trong vốn lưu động càng lâu. Các công ty sẽ muốn giảm thời gian của vòng quay vốn lưu động. |
(2) Hệ số thanh toán hiện hành (“Current ratio”) | Current assets/Current liabilities | Phản ánh 1 công ty có thể thanh toán bao nhiêu lần nợ phải trả ngắn hạn bằng tài sản ngắn hạn của công ty. Không có hệ số chung chuẩn. Thông thường mức an toàn là 1.5 |
(3) Hệ số thanh toán nhanh (“Quick ratio”) | (Current assets – Inventories) /Current liabilities | Phản ánh công ty có thể thanh toán bao nhiêu lần nợ phải trả ngắn hạn bằng các tài sản ngắn hạn không bao gồm HTK của công ty. Không có hệ số chung chuẩn. Thông thường mức chấp nhận được là 0.8 |
2.3. Các chỉ số tài chính đo lường hiệu quả hoạt động hay tốc độ luân chuyển vốn (“Efficiency ratios” /”Turnover ratios”)
Tỷ suất | Công thức tính (*) | Ý nghĩa |
(1) AR payment period/Accounts receivable days/Average collection period) | AR * Period time /Credit sales revenue | Phản ánh thời gian trung trình để công ty có thể thu hồi khoản phải thu của mình. Vòng quay càng nhanh thì công ty thu hồi vốn càng nhanh, hay ít bị chiếm dụng vốn. |
(2) AP payment period | Average trade payables * Period time / Purchases or Cost of sales | Phản ánh thời gian trung trình để công ty thanh toán cho nhà cung cấp. Vòng quay càng dài thì công ty chiếm dụng vốn của nhà cung cấp càng lâu. |
(3) Số vòng quay HTK (“Inventory turnover”) hoặc Thời gian quay 1 vòng HTK (“Inventory turnover period”) | Cost of sales / Average inventory Average inventory * Period time / Cost of sales | – Số vòng quay HTK: Phản ánh trong 1năm thì HTK của công ty luân chuyển được bao nhiêu vòng. Chỉ số càng cao chứng tỏ HTK luân chuyển càng nhanh. – Thời gian quay 1 vòng HTK: Phản ánh thời gian quay 1 vòng HTK. Chỉ số càng cao chứng tỏ HTK lưu chuyển càng chậm. Lưu ý 2 chỉ tiêu này ngược với nhau. Và rất dễ nhầm lẫn. |
(*) Period time có thể là 360 hoặc 365 ngày tuỳ vào tình huống đề bài yêu cầu. Cần đọc kỹ để biết áp dụng cái nào.
2.4. Các chỉ số tài chính đo lường thu nhập hay hiệu quả đầu tư của cổ đông (“Shareholders’ investment ratio”)
Tỷ suất | Công thức tính | Ý nghĩa |
(1) Thu nhập trên cổ phiếu (“Earnings per share”) | Profits after tax & preference dividends / Number of ordinary shares | Đây là phần lợi nhuận thuộc về cổ đông tính cho 1 cổ phiếu thông thường đang được lưu hành trên thị trường. EPS được sử dụng như một chỉ số thể hiện khả năng kiếm lợi nhuận của doanh nghiệp. 2 doanh nghiệp có thể có cùng tỷ lệ EPS nhưng một trong hai có thể có ít cổ phần hơn tức là doanh nghiệp này sử dụng vốn hiệu quả hơn. Vì doanh nghiệp có thể lợi dụng các kỹ thuật tính toán để đưa ra con số EPS hấp dẫn nên các nhà đầu tư cũng cần hiểu rõ cách tính của từng doanh nghiệp để đảm bảo “chất lượng” của tỉ lệ này. Tốt hơn hết là không nên dựa vào một thước đo tài chính duy nhất mà nên kết hợp với các bản phân tích tài chính và các chỉ số khác. |
(2) Tỷ lệ Cổ tức trên cổ phiếu (“Dividend per share”) | Dividends paid to ordinary shares / Number of ordinary shares | Phản ánh 1 cổ phần thông thường nhận được bao nhiêu đồng cổ tức? Thông thường, việc doanh nghiệp chi trả 1 tỷ lệ cổ tức một cổ phần (DPS) cao thường tạo tâm lý tích cực cho cổ đông, giúp giá cổ phiếu tăng. |
(3)Tỷ lệ chi trả cổ tức (“Dividend cover”) | EPS / DPS | Phản ánh doanh nghiệp dành ra bao nhiêu % thu nhập để trả cổ tức cho cổ đông? Thông thường, nếu 2 doanh nghiệp đạt hiệu quả kinh doanh như nhau, nhà đầu tư sẽ đánh giá cao hơn doanh nghiệp có tỷ lệ chi trả cổ tức thấp hơn. Vì doanh nghiệp đó giữ lại nhiều lợi nhuận để tái đầu tư nên được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh trong tương lai. |
(4) Hệ số giá trên lợi nhuận (“P/E ratio”) | Current market price / EPS | Hệ số P/E đo lường mối quan hệ giữa giá thị trường & thu nhập của mỗi cổ phiếu PE cho thấy giá cổ phiếu hiện tại cao hơn thu nhập từ cổ phiếu đó bao nhiêu lần. Hay nhà đầu tư phải trả giá cho một đồng thu nhập bao nhiêu. Nếu hệ số P/E cao thì điều đó có nghĩa là người đầu tư dự kiến tốc độ tăng cổ tức cao trong tương lai; Và ngược lại. |
(5) (“Dividend yield”) | Dividend on the share for the year / Current market price per share (ex.div) % | Phản ánh nhà đầu tư bỏ ra 1 đồng mua cổ phiếu trên thị trường, thì có thể thu về bao nhiêu đồng cổ tức? Trong trường hợp doanh nghiệp không tăng vốn, tỷ suất cổ tức phản ánh hiệu quả vốn đầu tư vào cổ phiếu. |
Phần 3. Tình huống thường gặp về “Financial Ratios” trong đề thi & cách xử lý
3.1 Dạng bài tập thường gặp về chỉ số tài chính trong đề thi F7
Các tình huống bài tập liên quan đến chủ đề này khá đơn giản:
Dạng 1: Đề bài cung cấp BS/PL và yêu cầu đánh giá kết quả thực hiện của công ty qua việc so sánh các chỉ tiêu tài chính của năm hiện tại với năm trước. Hoặc so sánh với các chỉ tiêu trung bình ngành. Để tăng mức độ phức tạp, đề bài có thể yêu cầu phải điều chỉnh BS/PL theo các thông tin cung cấp (Đề thi Dec/2017; June/2016; Sep/2016; June/2018)
Dạng 2: Đề bài cung cấp BS/PL của 1 công ty mục tiêu. Yêu cầu đánh giá tình hình tài chính của công ty này để xem có nên mua hay không? (Đề thi Dec/2015; Dec/2014; Dec/2016)
Dạng 3: Đề bài cung cấp BS/PL của công ty chưa bao gồm ảnh hưởng của giao dịch “discontinued operation”. Yêu cầu phải điều chỉnh lại BS/PL để bao gồm ảnh hưởng của giao dịch “discontinued operation”. Sau đó tính toán các chỉ tiêu tài chính để đánh giá ảnh hưởng của giao dịch “discontinued operation” đến công ty (Đề thi June/2017; June/2015).
Có thể bạn quan tâm: Đề thi ACCA F7 Past papers
3.2. 5 bước xử lý dạng bài sử dụng chỉ số tài chính để phân tích Báo cáo tài chính
Để giải quyết các dạng bài tập này, chúng ta làm 5 bước như sau:
Bước 1. Điều chỉnh lại BS/PL theo dữ liệu đề bài cung cấp
Đề bài thường yêu cầu chúng ta điều chỉnh BS/PL để:
- BCTC phản ánh hợp lý hơn tình hình tài chính của công ty. VD: điều chỉnh Doanh thu theo mức giá bán thị trường; điều chỉnh cách phân loại các khoản công nợ…
- Phản ánh ảnh hưởng của giao dịch “discontinued operations”. VD: loại trừ doanh thu/chi phí của “discontinued operations” ra khỏi kết quả hoạt động của công ty
Việc điều chỉnh này rất đơn giản. Xem tài khoản nào bị ảnh hưởng thì điều chỉnh vào tài khoản đó để lập BS/PL mới là xong.
Bước 2. Xác định xem mình cần nhận xét cái gì để làm cơ sở xác định các chỉ tiêu cần tính toán
Việc nhận xét thường trên 3 khía cạnh lớn:
- Performance: Khả năng tạo ra doanh thu, lợi nhuận của công ty. Chúng ta cần tính các chỉ tiêu thuộc nhóm “Profitability” / “Shareholder’s investment”
- Position: Khả năng thanh toán, cơ cấu vốn, rủi ro tài chính… Chúng ta cần tính các chỉ tiêu thuộc nhóm “Liquidity”/”Efficiency”
- Future: Kết hợp cả 2 khía cạnh trên: trong tương lai gần có nghĩa vụ nợ lớn nào cần phải thanh toán không? dòng tiền có khả năng có vấn đề gì không? hoạt động kinh doanh có tiềm tàng rủi ro gì không?
Đề bài có thể sẽ chỉ rõ luôn các chỉ tiêu cần tính toán luôn. Khi đó chúng ta chỉ cần xem chỉ tiêu nào phục vụ cho khía cạnh nhận xét nào.
Bước 3. Đề bài có đưa ra yêu cầu cụ thể cho việc tính toán các chỉ tiêu này không?
Có 1 số chỉ tiêu có nhiều cách tính:
- Net profits margin: sử dụng “Profits after tax” hay “Operating profits”?
- Efficiency/ turnover ratios: sử dụng 360 ngày hay 365 ngày?
- ROCE: sử dụng PBIT (“Profits before interest & tax”) hay “Profit after tax” hay “Operating profits”
- Gearing ratios: áp dụng công thức (Non-current liabilities/Capital employed) hay (Liabilities/Equity)
- EPS/DPS: tình huống có cổ phiếu ưu đãi (“preference shares”) không? có cổ tức chi trả cho cổ phiếu ưu đãi không?
- Cơ sở tài sản áp dụng khi tính các chỉ tiêu tài chính: dựa trên Giá trị hợp lý (“Fair value”) hay Giá trị ghi sổ (“Carrying amount”)
Bước 4. Thực hiện tính toán & đưa ra nhận xét dựa trên kết quả tính toán
Phần tính toán thường chỉ được ít điểm trong khi phần nhận xét, phân tích kết quả sẽ được nhiều điểm. Do vậy chúng ta cần phân bổ thời gian để làm bài sao cho hợp lý.
Chúng ta cũng cần lưu ý: Phần nhận xét không chỉ chỉ ra chỉ tiêu nào tăng/giảm bao nhiêu, mà cần chỉ rõ lý do có thể dẫn đến sự tăng/giảm đó. Ví dụ:
- “Net profit margin” năm nay so với năm trước tăng 10% do doanh thu tăng hay do chi phí giảm?
- Doanh thu năm nay tăng $0.5m tương ứng 10% so với năm trước là do giá bán tăng hay sản lượng tiêu thụ tăng nhờ công ty đầu tư quảng cáo?
- ROCE năm nay giảm 5% so với năm trước là do lợi nhuận của công ty giảm hay do công ty huy động thêm vốn trong kỳ?
Bước 5. Đưa ra kết luận chung
Sau khi nhận xét từng chi tiết của bức tranh, chúng ta cần nhận xét tổng thể về chất lượng của bức tranh đó. Nghĩa là sau khi đã nhận xét về từng chỉ tiêu, chúng ta cần đưa ra kết luận tình hình của doanh nghiệp là tốt hay xấu.
Vậy là xong 1 dạng bài tập nữa. Hy vọng các bạn đã có câu trả lời “Financial ratios là gì” cũng như hiểu được ý nghĩa và cách tính các chỉ số tài chính cơ bản.
chị ơi, chị cho em hỏi là em đang làm kit BPP bài 219 ạ, trong sách kit có giải phần này tính chỉ số tài chính có tên “profit before interest and tax margin” và “net asset turnover”. Chị ơi em thấy chỉ số này nó hơi lạ ạ, em đọc sách BBP cũng không có rõ ạ, chị có thể giải đáp giúp em được không ạ, em cảm ơn chị nhiều nhiều ạ
Hi Thảo,
Em tách tên của chỉ tiêu ra nhé:
“profit before interest and tax margin” = EBIT & Margin => Cách tính = EBIT / Net Revenue => Ý nghĩa chỉ tiêu này là đo lường khả năng tạo ra lợi nhuận của công ty. Cụ thể là 1 đồng doanh thu thì thu được bao nhiêu đồng lợi nhuận.
“net asset turnover” = Net asset & Turnover. Net asset = Capital employed còn Turnover = Net Revenue => Net asset turnover = Capital employed / Net Revenue. Dịch sang tiếng việt thì kiểu như là hiệu suất sử dụng tài sản. Em có thể sẽ gặp Non-current asset turnover hay Current asset turnover thì ý nghĩa cũng tương tự. Đi đo lường xem cần đầu tư bao nhiêu đồng tài sản để thu được 1 đồng doanh thu.
dạ vâng ạ, em hiểu rồi ạ, em cảm ơn chị nhiều nhiều ạ <3
Thsk Admin!
Cảm ơn bạn đã động viên. 🙂
Dear chị,
Em rất cảm ơn video của chị đã giúp em vực lại kiếm thức trước khi thi vào tháng 7 này.
Chị có thể up nốt video giải bài tập case study cụ thể về phân tích bctc trong bài thi f7 được không ạ. Chị nói trong video tiếp sẽ làm về phần này nhưng e tìm không thấy có chị ạ.
Cảm ơn chị nhiều