[CPA – LT Tài chính] Đánh giá dự án đầu tư – Phần 1

Bài 2 của Series Bài giảng lý thuyết Môn Tài chính Đề thi CPA – Chủ đề “Thẩm định dự án đầu tư”: Phương pháp thời gian hoàn vốn

(Xem từ Video 1 – 7 & Video 15 – 17)

Như trong Bài giảng Lý thuyết môn Tài chính – Phần 1 đã đề cập, nội dung của môn Tài chính sẽ xoay quanh 3 chức năng của Quản lý tài chính là: lập kế hoạch tài chính, kiểm soát tài chính và ra các quyết định tài chính. Trong đó, các quyết định tài chính trong dài hạn bao gồm: quyết định đầu tư, quyết định huy động vốn và quyết định phân phối lợi nhuận.

Trong bài viết này mình sẽ giải thích về Quyết định đầu tư vốn – Chương 6 của Đề cương ôn thi CPA – Môn Tài chính.

Nội dung bài viết sẽ bao gồm các phần sau:

  • Xác định dòng tiền của dự án đầu tư
  • Đánh giá dự án đầu tư không sử dụng dòng tiền chiết khấu với phương pháp Thời gian hoàn vốn
  • Đánh giá dự án đầu tư sử dụng dòng tiền chiết khấu với phương pháp: Giá trị hiện tại thuần (NPV); IRR; Phương pháp thời gian hoàn vốn có chiết khấu (DPP)

1. Xác định dòng tiền của Dự án đầu tư

1.1. Nguyên tắc xác định

Một quyết định đầu tư khôn ngoan sẽ mang lại lợi ích lâu dài. Ngược lại một sai lầm trong đầu tư sẽ khiến DN phải trả giá lớn. Vì vậy, để đưa ra được 1 quyết định đầu tư, các nhà quản lý tài chính sẽ phải tham gia đánh giá và lựa chọn dự án đầu tư.

Để so sánh các dự án đầu tư, chúng ta sẽ cần sử dụng đến “Dòng tiền” mà các dự án này tạo ra. Và các “Dòng tiền” này sẽ cần được xác định theo 3 nguyên tắc chính sau:

(1) Các dòng tiền chỉ được coi là liên quan đến dự án khi phát sinh trong tương lai như một kết quả từ quyết định đầu tư. Các chi phí đã phát sinh trong quá khứ (past costs) hoặc sẽ phát sinh dù quyết định có được thực hiện hay không thì sẽ không được bao gồm trong Dòng tiền của dự án.

(2) Dòng tiền nên được tính toán trên cơ sở sau thuế. Do 2 lý do sau:

  • Mục tiêu tài chính cao nhất của công ty là tối đa hoá lợi ích cổ đông (chủ sở hữu). Mà phần lợi ích cổ đông  nhận được sẽ là phần lợi nhuận sau khi đã nộp thuế – thực hiện nghĩa vụ với nhà nước.
  • Tỷ lệ chiết khấu được sử dụng để chiết khấu dòng tiền dự án về hiện tại cũng sẽ là tỷ lệ chiết khấu sau thuế. Nếu bạn chưa biết tỷ lệ chiết khấu là gì thì tham khảo bài viết này: Bài giảng Lý thuyết môn Tài chính – Phần 1

(3) Không trừ lãi vay/cổ tức ra khỏi dòng tiền của dự án đầu tư: Để thực hiện 1 dự án đầu tư, doanh nghiệp thường sẽ cần sử dụng vốn huy động từ nhiều nguồn khác nhau: từ vốn chủ sở hữu hoặc vốn vay.

Và chi phí lãi vay & cổ tức chính là chi phí để sử dụng các nguồn vốn này. Về bản chất thì chi phí này sẽ là liên quan đến dự án. Tuy nhiên bởi vì chúng ta sẽ sử dụng tỷ lệ chiết khấu để chiết khấu dòng tiền khi đánh giá dự án đầu tư. Mà tỷ lệ chiết khấu này chính là sự thể hiện của chi phí sử dụng vốn của DN. Do đó, nếu chúng ta bao gồm chi phí lãi vay & cổ tức… vào trong dòng tiền dự án. Sau đó lại chiết khấu dòng tiền. Thì tức là chúng ta đã làm việc này 2 lần.

Ngoài 3 nguyên tắc này , khi xác định “Dòng tiền” của từng dự án chúng ta còn phải xem xét đến các yếu tố khác:

  • Chi phí cơ hội khi đánh giá hiệu quả dự án: hiểu đơn giản là lợi ích cao nhất mà doanh nghiệp phải bỏ qua khi quyết định lựa chọn 1 dự án đầu tư.
  • Ảnh hưởng của dự án đến các dự án khác của doanh nghiệp: nghĩa là lượng hoá mức độ ảnh hưởng của dự án được đánh giá đến các dự án hiện tại của doanh nghiệp.
  • Các yếu tố khác như: Lạm phát, rủi ro & sự không chắc chắn: tiền tệ có gía trị thời gian. Do đó, dòng tiền của dự án sẽ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như lạm phát, rủi ro… Vì vậy, để đảm bảo tính hợp lý của đánh giá, thì những yếu tố này cần được xem xét và phản ánh trong dòng tiền của dự án.

Tuy nhiên, mình cũng nói luôn là các yếu tố này nêu ra chỉ để biết thôi. Còn trong đề thi CPA môn Tài chính thì các dạng bài tập khá đơn giản. Chúng ta gần như không phải xử lý tình huống liên quan đến  các yếu tố này.

1.2. Nội dung xác định

Việc đánh giá dự án đầu tư dựa trên dòng tiền thực chất là đánh giá “Dòng tiền thuần” của các dự án.

Dòng tiền thuần của dự án = Dòng tiền vào – Dòng tiền ra

Dòng tiền vào của dự án: là dòng tiền dự án đầu tư mang lại cho doanh nghiệp. Thông thường sẽ bao gồm:

  • Dòng tiền thuần từ hoạt động = (Dòng tiền thu – Dòng tiền chi) của hoạt động SXKD hay (LN sau thuế + Khấu hao TSCĐ)
  • Vốn lưu động thu hồi khi kết thúc dự án hoặc thu hẹp quy mô hoạt động
  • Thu thuần từ thanh lý, nhượng bán TSCĐ = Giá bán thanh lý – Chi phí hoạt động thanh lý – Thuế TNDN (nếu có)

Dòng tiền ra của dự án: là dòng tiền mà DN bỏ ra để hình thành lượng tài sản cần thiết cho dự án. Bao gồm:

  • Vốn đầu tư hình thành TSCĐ cho dự án
  • Số vốn đầu tư để hình thành tài sản lưu động thường xuyên cho dự án
  • Vốn đầu tư bổ sung

Lưu ý:

Nhiều bạn khi làm bài cứ thấy tiền thu về là cho vào Dòng tiền vào; và tiền chi ra cho vào Dòng tiền ra => Sai. Cần chú ý nội dung Dòng tiền vào/ra của dự án bên trên

2 tình huống thường xuyên xuất hiện trong đề thi thường gây khó khăn cho mọi người: Thu hồi vốn lưu động và chênh lệch khấu hao khi thay thế tài sản.  Các bạn đọc thêm ở bài: Đề thi CPA Môn tài chính – Dạng bài đánh giá dự án đầu tư

2. Đánh giá DAĐT không sử dụng dòng tiền chiết khấu – Phương pháp Thời gian hoàn vốn

Phương pháp Thời gian hoàn vốn viết tắt là PP (Payback Period).

2.1. Thời gian hoàn vốn (PP)

PP là khoảng thời gian cần thiết mà dòng tiền thuần hàng năm = Vốn đầu tư ban đầu của dự án.

Mỗi công ty khi xem xét dự án đầu tư thường sẽ có thời gian hoàn vốn mong muốn của mình. Như vậy:

  • Thời gian hoàn vốn của dự án < Thời gian hoàn vốn mong muốn => Được chọn
  • Nếu DN chỉ lựa chọn 1 dự án nhưng có nhiều dự án thoả mãn điều kiện về Thời gian hoàn vốn: Dự án có Thời gian hoàn vốn ngắn nhất sẽ được chọn.

2.2. Cách áp dụng phương pháp thời gian hoàn vốn (PP)

  • Xác định dòng tiền thuần của mỗi năm dự án
  • Xác định số vốn đầu tư còn phải thu hồi ở cuối mỗi năm bằng cách tính chênh lệch giữa số vốn đầu tư & dòng tiền thuần hàng năm
  • Khi số vốn đầu tư còn phải thu hồi < Dòng tiền thuần của năm sau: PP = Số năm hiện tại + Lấy số vốn đầu tư còn phải thu hồi / Dòng tiền thuần của năm sau. Bạn có thể * 12 để ra số tháng.
Ví dụ:  Công ty xem xét 3 dự án loại trừ lẫn nhau A,B và C. Thời gian hoàn vốn mong muốn: 2 năm. Thông tin về dòng tiền dự kiến của các dự án như sau:

Dòng tiềnABC
Vốn đầu tư ban đầu (Năm 0)10000500014000
Lợi nhuận trước khấu hao:
Năm 1400030008000
Năm 2400025006000
Năm 3500015004000
Năm 4300010002000

Hỏi dự án nào sẽ được lựa chọn theo phương pháp PP?

Đáp án:

Giả định rằng Lợi nhuận trước khấu hao = Dòng tiền thuần của mỗi dự án

Lập bảng tính thời gian hoàn vốn của các dự án như sau:

Chỉ tiêuABC
Vốn đầu tư ban đầu10000500014000
Vốn đầu tư còn phải thu hồi:
Năm 1600020006000
Năm 22000-5000
Năm 3-3000
Thời gian hoàn vốn (tháng)28.821.624

Kết luận: Dự án B và C đều có thời gian hoàn vốn <= Thời gian hoàn vốn mong muốn (24 tháng). Nhưng các dự án này loại trừ lẫn nhau. Do đó chỉ dự án B có thời gian hoàn vốn ngắn nhất được lựa chọn.

2.3. Ưu nhược điểm của phương pháp thời gian hoàn vốn (PP)

Ưu điểmNhược điểm
1. Đơn giản, dễ áp dụng và được sử dụng như một công cụ để sàng lọc bớt các dự án. Nếu một dự án nào đó không đáp ứng được thời gian hoàn vốn tiêu chuẩn cho phép thì rõ ràng không cần tiếp tục nghiên cứu thêm dự án đó.1. Không xem xét tới giá trị thời gian của tiền tệ. Một dòng tiền thu được hôm nay lại được đánh giá ngang bằng với dòng tiền thu  được ở một số năm sau.
2. Được áp dụng nhiều ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đối với các doanh nghiệp này: Dự án đạt doanh lợi thấp nhưng lại có thời gian hoàn vốn ngắn, sẽ có lợi hơn những dự án tuy có doanh lợi hấp dẫn, nhưng thời gian hoàn vốn dài và do đó rủi ro lớn.2. Không xem xét tới dòng tiền thu được sau thời gian hoàn vốn. Các dự án chậm sinh lời thường là các dự án nằm trong kế hoạch dài hạn, chẳng hạn dự án cho việc phát triển một sản phẩm mới hay thâm nhập thị trường mới. Do đó, nếu áp dụng phương pháp này sẽ có thể sẽ loại bỏ dự án tốt
3. Không sử dụng được khi các dự án có cùng thời gian hoàn vốn
3. Bằng việc lựa chọn dự án có thời gian hoàn vốn ngắn, phương pháp này đã cân nhắc đến vấn đề rủi ro (thời gian càng dài thì rủi ro càng lớn)4. Việc đưa ra Thời gian hoàn vốn mong muốn của DN thường mang tính chủ quan
4. Sử dụng dòng tiền thay vì là lợi nhuận kế toán – chỉ tiêu dễ dàng bị bóp méo thay đổi bằng các chính sách kế toán5. Có thể dẫn tới tình trạng đầu tư quá nhiều vào các dự án ngắn hạn
5. Có thể được sử dụng khi doanh nghiệp ở trong tình trạng khan hiếm vốn (capital rationing) bởi vì DN có thể xác định các dự án nhanh chóng mang lại tiền để giải quyết nhu cầu về tiền.6. Bằng việc lựa chọn dự án có thời gian hoàn vốn ngắn, phương pháp này đã cân nhắc đến vấn đề rủi ro (thời gian càng dài thì rủi ro càng lớn). Tuy nhiên lại không xem xét đến sự biến động của dòng tiền.

3. Đánh giá DAĐT sử dụng dòng tiền chiết khấu

Chiết khấu dòng tiền chính là việc chuyển đổi dòng tiền từ tương lai về hiện tại.

Tại sao lại phải chiết khấu dòng tiền khi đánh giá dự án đầu tư?

Bởi vì 1 dự án thường kéo dài qua nhiều năm. Trong khi tiền tệ có giá trị thời gian. 1 đồng Năm N sẽ có giá trị khác với 1 đồng Năm 1 hay Năm 0. Do vậy, để có thể cộng gộp dòng tiền thuần của các năm với nhau. Chúng ta sẽ cần quy đổi để đưa hết về 1 thời điểm. Thời điểm đó là Năm 0 – Năm hiện tại.

Trong phạm vi đề cương ôn thi CPA môn Tài chính, chúng ta sẽ học 3 phương pháp sử dụng kỹ thuật chiết khấu dòng tiền. Bao gồm: NPV, IRR & DPP

3.1. Phương pháp Thời gian hoàn vốn có chiết khấu DPP (Discounted Payback Period)

Thời gian hoàn vốn có chiết khấu (DPP): là khoảng thời gian cần thiết để tổng giá trị hiện tại của dòng tiền thuần trong tương lai mà dự án đưa lại = Số vốn đầu tư bỏ ra ban đầu.

Đây có thể coi là một biến thể nhằm khắc phục nhược điểm của phương pháp Thời gian hoàn vốn (PP). Do vậy, nguyên tắc lựa chọn dự án và cách áp dụng của DPP sẽ hoàn toàn tương tự PP.

Điểm khác biệt đó là: Phương pháp thời gian hoàn vốn (PP) sử dụng dòng tiền thuần của dự án (không có chiết khấu). Trong khi DPP thì sử dụng giá trị hiện tại của dòng tiền thuần của dự án (có chiết khấu).

Ưu nhược điểm của Phương pháp Thời gian hoàn vốn có chiết khấu DPP

Phương pháp này sẽ thừa hưởng các ưu điểm và nhược điểm của phương pháp thời gian hoàn vốn (PP). Ngoài ra, bởi vì nó sử dụng dòng tiền chiết khấu. Nên nó còn có ưu điểm là đã xem xét đến giá trị thời gian của dòng tiền.

Ví dụ: Công ty xem xét 2 dự án A & B. Thời gian hoàn vốn có chiết khấu mong muốn: 2.5 năm. Chi phí sử dụng vốn: r = 10%. Thông tin về dòng tiền dự kiến của các dự án như sau:

Dòng tiềnDự án ADự án B
Vốn đầu tư ban đầu (Năm 0) 10,000 5,000
Lợi nhuận trước khấu hao:
Năm 1 4,000 3,000
Năm 2 4,000 2,500
Năm 3 5,000 1,500

Hỏi dự án nào sẽ được lựa chọn theo phương pháp DPP?

Đáp án:

Giả định rằng Lợi nhuận trước khấu hao = Dòng tiền thuần của mỗi dự án

Lập bảng tính thời gian hoàn vốn có chiết khấu cho các dự án như sau:

Dự án A

NămDòng tiềnDF 10%Giá trị hiện tại PVNPV luỹ kế
Năm 0 (10,000)1.0000 (10,000) (10,000)
Năm 1 4,0000.9091 3,636 (6,364)
Năm 2 4,0000.8264 3,306 (3,058)
Năm 3 5,0000.7513 3,757 699

Thời gian hoàn vốn có chiết khấu của A = 2 + 3.058/3.757 = 2.81 năm

Dự án B

NămDòng tiềnDF 10%Giá trị hiện tại PVNPV luỹ kế
Năm 0 (5,000)1.0000 (5,000) (5,000)
Năm 1 3,0000.9091 2,727 (2,273)
Năm 2 2,5000.8264 2,066 (207)
Năm 3 1,5000.7513 1,127 920

Thời gian hoàn vốn có chiết khấu của B = 2 + 207/1.127 = 2.18 năm

Kết luận: Dự án B có thời gian hoàn vốn có chiết khấu <= Thời gian hoàn vốn có chiết khấu mong muốn (2.5 năm). B là dự án được chọn.

Tạm dừng ở đây. Trong bài viết tiếp theo mình sẽ đi giải thích về 2 phương pháp còn lại của kỹ thuật Đánh giá dự án đầu tư sử dụng dòng tiền chiết khấu là NPV & IRR.

You cannot copy content of this page