Skip to content

Bài tập Tính Thuế Thu nhập cá nhân từ Đầu tư vốn

Tính thuế TNCN từ đầu tư vốn là 1 dạng bài tập thường gặp trong các loại đề thi thuế, và cũng là tình huống thường gặp trong thực tế.

Nghe từ “đầu tư vốn” thì có vẻ xa xôi, nhưng các bạn cứ hiểu đơn giản rằng: Đây là khoản lợi nhuận hay tiền lãi chúng ta kiếm được khi cho người khác sử dụng tiền, hay vốn của mình.

Ví dụ về thu nhập từ đầu tư vốn thường gặp:

  • Khi chúng ta gửi tiền vào ngân hàng và nhận được lãi tiền gửi định kỳ hoặc khi tất toán sổ. Thì lãi tiền gửi chính là thu nhập từ đầu tư vốn của chúng ta.
  • Tương tự như vậy, khi chúng ta mua trái phiếu của 1 doanh nghiệp, tổ chức nào đó và được nhận lãi trái phiếu. Thì lãi trái phiếu chính là thu thu nhập từ đầu tư vốn của chúng ta.
  • Hoặc khi ta mua và nắm giữ cổ phiếu và nhận được cổ tức công ty phát hành chi trả. Thì cổ tức này chính là thu nhập từ đầu tư vốn của chúng ta.

Sau đây chúng ta hãy cùng đi xem quy định về việc tính thuế TNCN từ đầu tư vốn nhé. Tất nhiên, cuối cùng sẽ là 1 tình huống bài tập để chúng ta có thể hiểu rõ ràng cách vận dụng quy định.

1. Thu nhập chịu thuế TNCN từ đầu tư vốn bao gồm những khoản nào?

Như bên trên Ad đã đề cập đến bản chất của các khoản thu nhập từ đầu tư vốn. Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là: Các khoản thu nhập từ đầu tư vốn nào thì phải chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN)?

Về cơ bản thì: Tất cả các khoản thu nhập từ đầu tư vốn mà cá nhân nhận được đều phải chịu thuế TNCN, ngoại trừ 1 số khoản mục được quy định là không chịu thuế hoặc miễn thuế TNCN.

Như vậy, các khoản thu nhập chịu thuế TNCN từ đầu tư vốn bao gồm:

thue-tncn-tu-dau-tu-von

Lưu ý:

[1] Đầu tư cho vay thì có thể theo dạng hợp đồng, thoả thuận vay, hoặc mua trái phiếu, tín phiếu và các giấy tờ có giá khác.

Loại thu nhập này sẽ không bao gồm thu nhập từ lãi tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, lãi từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ; thu nhập từ lãi trái phiếu Chính phủ.

Lý do vì: Khoản mục này được miễn thuế TNCN theo quy định tại văn bản liên quan.

Chính vì vậy nên khi chúng ta gửi tiền tiết kiệm ngân hàng, thì ngân hàng không ttự động khấu trừ thuế TNCN trước khi chi trả lãi tiền gửi cho chúng ta.

Với quy định này, lúc trước Ad có nhận được câu hỏi là: “Lãi từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thuộc dạng được miễn thuế này, khác nhau như nào với Bảo hiểm có tích lũy phí mà thuộc dạng phải tính thuế TNCN với thu nhập từ tiền lương tiền công?”

Theo cách hiểu của Ad thì:

Về bản chất, bảo hiểm nhân thọ cũng là 1 loại hình bảo hiểm có tích luỹ phí. Đặc điểm có tích luỹ phí hay không chính là cơ sở để phân chia giữa bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ. Như vậy về bản chất thì 2 loại bảo hiểm được đề cập trong văn bản đều là bảo hiểm tích luỹ phí. Còn có sự khác nhau về hình thức chi tiết của từng loại bảo hiểm này như nào thì cần phải xem bảo hiểm có tích luỹ phí là bảo hiểm gì.

Vì sẽ có loại bảo hiểm tích luỹ phí nhưng tên gọi lại không phải là “bảo hiểm nhân thọ”. Do các công ty bảo hiểm người ta sẽ sử dụng các tên gọi khác nhau phù hợp với mục đích truyền thông bán hàng đó. Ví dụ, bên bảo hiểm bảo việt họ có gói bảo hiểm “An khoa trạng nguyên”. Các bố mẹ có thể mua cho con cái. Khi đáo hạn thì sẽ được nhận lại toàn bộ tiền gốc đã đóng + tiền lãi gia tăng. Và nếu đối tượng được mua bảo hiểm chết thì sẽ nhận được tiền bồi thường. Như vậy về bản chất vẫn là bảo hiểm nhân thọ (có hoàn phí) nhưng tên gọi nó khác đi.

[2] Phần cổ tức nhận được từ góp vốn mua cổ phần, nghĩa là cổ phiếu niêm yết hay không niêm yết đều tính nhé. Và quy định cũng nói rõ, tính cả trường hợp khi cổ tức được chi trả bằng cổ phiếu.

Văn bản về thuế TNCN có thể nói là đã quá lạc hậu rồi nên chưa cập nhật được thực tế. Ví dụ, với hiện tại thì thu nhập từ đầu tư vốn còn có thể bao gồm: Cổ phiếu thưởng cho các cổ đông hiện hữu hay chi trả cổ tức bằng quyền mua cổ phiếu. Vì về bản chất thì những khoản mục này cũng là thu nhập chúng ta nhận được khi đầu tư vào cổ phiếu thôi.

À, nhưng trong văn bản về quản lý thuế, vì mới được ban hành nên đề cập nhật hơn rồi nhé. Có đề cập chung đến các khoản mục này với thuật ngữ là “Chứng khoán”. 

[3] Lợi tức nhận được do tham gia góp vốn vào các doanh nghiệp TNHH, công ty hợp danh… Tóm lại là các công ty không phải là “cổ phần”. Và trường hợp này sẽ bao gồm cả khi lợi tức không được chi trả luôn mà được ghi tăng vốn nha (trường hợp [5])

Ví dụ, vốn góp ban đầu là 10 tỷ, công ty quyết định chi trả lợi tức (chia lợi nhuận) cho bạn là 1 tỷ. Nhưng thay vì chi trả trực tiếp 1 tỷ, thì công ty sẽ tăng giá trị vốn góp của bạn lên thành 11 tỷ.

Khoản thu nhập này sẽ không bao gồm: Thu nhập từ đầu tư vốn đối với lợi tức của doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do cá nhân làm chủ.

Lý do: Vì khoản mục này là thu nhập không chịu thuế TNCN.

Uhm, lúc trước Ad đã nhận được câu hỏi của 1 bạn rằng tại sao công ty TNHH một thành viên thì không bị tính thuế đối với phần lợi tức này, nhưng lợi tức của công ty TNHH hai thành viên trở lên lại bị tính?

Theo Ad lý giải thì:

Với loại hình doanh nghiệp tư nhân hay TNHH 1 thành viên, chỉ có 1 cá nhân làm chủ. Nên có thể hiểu rằng: lợi nhuận của doanh nghiệp = lợi nhuận của cá nhân làm chủ. Mà lợi nhuận này đã bị đánh thuế TNDN rồi nên sẽ không tính PIT nữa. 

Còn với TNHH 2 thành viên trở lên, tức là lợi tức của công ty không phải của “cá nhân” rồi. Cá nhân không thể toàn quyền kiểm soát phần lợi nhuận của công ty thu được. Nó sẽ tương tự như công ty cổ phần, lợi nhuận của công ty thuộc về cổ đông chứ không phải 1 cá nhân. Do vậy, có sự khác biệt giữa lợi nhuận của doanh nghiệp và lợi tức của 1 cá nhân nhận được. Do vậy, tính thuế TNCN như thường.

[4] Phần tăng thêm của giá trị vốn góp nhận được khi giải thể doanh nghiệp, chuyển đổi mô hình hoạt động, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp hoặc khi rút vốn.

Ví dụ: Vốn góp ban đầu của bạn vào công ty là 10 tỷ. Sau 10 năm hoạt động bạn quyết định rút vốn. Và các bên thống nhất rằng bạn sẽ nhận được 12 tỷ khi rút vốn khỏi công ty. Như vậy bạn sẽ có 2 tỷ tăng thêm của giá trị vốn góp ban đầu. Và khoản này được tính là thu nhập từ đầu tư vốn.

Và ngoài các trường hợp này thì để tránh thất thoát thuế, văn bản còn chèn thêm 1 câu: “Các khoản thu nhập nhận được từ đầu tư vốn dưới các hình thức khác”.

Như vậy, khi suy xét 1 khoản thu nhập có phải là thu nhập từ đầu tư vốn hay không chúng ta sẽ cần phải xem xét về bản chất. Chứ không thể chỉ căn cứ vào các hình thức giao dịch được liệt kê trong văn bản nha.

OK, sau khi đã xác định được loại thu nhập từ đầu tư vốn phải chịu thuế TNCN, chúng ta hãy đi xem cụ thể cách xác định nghĩa vụ thuế nhé.

2. Cách tính thuế TNCN từ đầu tư vốn

2.1. Công thức tính

Nghĩa vụ thuế TNCN = Thu nhập tính thuế * Thuế suất 5%.

Trong đó:

Thu nhập tính thuế từ đầu tư vốn là thu nhập chịu thuế mà cá nhân nhận được. Tức là toàn bộ thu nhập từ đầu tư vốn trừ khoản mục không chịu thuế và miễn thuế chúng ta đã đề cập.

2.2. Thời điểm xác định thuế TNCN từ đầu tư vốn

Thu nhập từ đầu tư vốn là loại thu nhập phải nộp thuế TNCN tính theo từng lần phát sinh. Vậy thời điểm xác định nghĩa vụ thuế TNCN cụ thể như nào?

Về nguyên lý chung thì thời điểm xác định thu nhập tính thuế đối với thu nhập từ đầu tư vốn là thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập cho người nộp thuế.

Trường hợp cá nhân nhận được thu nhập do việc đầu tư vốn ra nước ngoài dưới mọi hình thức, thì thời điểm xác định thu nhập tính thuế là: Thời điểm cá nhân nhận thu nhập.

Ngoài ra, văn bản thuế TNCN còn quy định 1 số trường hợp cụ thể như sau:

[1] Đối với thu nhập từ cổ tức trả bằng cổ phiếu thì thời điểm xác định thu nhập từ đầu tư vốn là thời điểm cá nhân chuyển nhượng cổ phiếu. Khi thực chuyển nhượng số cổ phiếu này, cá nhân phải nộp thuế TNCN đối với thu nhập từ đầu tư vốn và thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán.

Giá trị tính thuế để xác định nghĩa vụ thuế TNCN từ đầu tư vốn khi này sẽ được áp dụng theo mệnh giá của cổ phiếu. Trừ khi giá chuyển nhượng cổ phiếu nhận thay cổ tức thấp hơn mệnh giá thì sử dụng theo giá thị trường tại thời điểm chuyển nhượng.

Như bên trên Ad có nói, văn bản thuế TNCN không đề cập đến cổ phiếu thưởng hay quyền mua cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Tuy nhiên, văn bản về quản lý thuế có quy định:

“Đối với cá nhân nhận cổ tức bằng chứng khoán; cá nhân là cổ đông hiện hữu nhận thưởng bằng chứng khoán thì tổ chức có trách nhiệm khai thuế thay và nộp thuế thay cho cá nhân đối với thu nhập từ đầu tư vốn khi cá nhân chuyển nhượng chứng khoán cùng loại” 

Như vậy, chúng ta cần nhớ rằng: Trường hợp trả cổ tức bằng chứng khoán (cổ phiếu, quyền mua cổ phiếu) hoặc thưởng chứng cho cổ đông hiện hữu thì tại thời điểm trả cá nhân sẽ chưa phát sinh thuế TNCN từ đầu tư vốn, mà sẽ tính theo thời điểm thực tế chuyển nhượng chứng khoán.

[2] Đối với thu nhập từ lợi tức ghi tăng vốn thì thời điểm xác định thu nhập từ đầu tư vốn là thời điểm cá nhân chuyển nhượng vốn, rút vốn.

[3] Đối với thu nhập từ giá trị phần vốn góp tăng thêm thì thời điểm xác định thu nhập từ đầu tư vốn là thời điểm cá nhân thực nhận thu nhập khi giải thể doanh nghiệp, chuyển đổi mô hình hoạt động, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp hoặc khi rút vốn.

Sau đây hãy cùng đi xem 1 tình huống bài tập để hiểu rõ hơn về cách tính thuế TNCN từ đầu tư vốn nhé.

2.3. Tình huống

Năm 20X0, bà Mai Phạm, quốc tịch Việt Nam, đã mua 100.000 cổ phiếu của TBC Bank với giá mỗi cổ phiếu là 30.000 đồng (gấp 3 lần mệnh giá). Cổ phiếu được niêm yết trên sàn chứng khoán chính thức vào năm 20X1. Ngân hàng TBC công bố chia cổ tức 20%/cổ phiếu. Trong đó một nửa sẽ trả bằng tiền mặt và một nửa bằng cổ phiếu thưởng (10,000 cổ phiếu). Giá thị trường của cổ phiếu tại thời điểm công bố là 50.000 đồng/cổ phiếu. Bà Mai Phạm không có ý định bán số cổ phiếu này trong năm 20X1.
Yêu cầu: Bà Mai Phạm phải nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) Việt Nam trong năm 20X1 liên quan đến cổ tức là bao nhiêu?

Tình huống này nghe qua tưởng khó, nhưng thực ra rất đơn giản. Tóm lại là bà Mai nhận cổ tức từ việc nắm giữ cổ phiếu. Nghĩa là bà có thu nhập từ đầu tư vốn và phải tính thuế TNCN từ đầu tư vốn thôi.

Vấn đề là, cổ tức gồm 2 phần: Tiền mặt và cổ phiếu. Và trong năm X1 bà chưa thực hiện chuyển nhượng số cổ phiếu này. Do vậy, chỉ phải tính thu nhập chịu thuế từ cổ tức bằng tiền mặt. Còn cổ tức trả bằng cổ phiếu thì chưa tính thuế cho đến khi thực sự chuyển nhượng. 

Lưu ý ở đây là cổ tức được tính trên mệnh giá, mặc định là 10.000/cổ phiếu nha. Như vậy nghĩa vụ thuế TNCN từ đầu tư vốn của bà trong năm X1 sẽ là:  (100,000 cổ phiếu * 10,000 * 20% / 2) * 5% = 5 triệu VNĐ

Giả sử sang năm X2 bà thực hiện chuyển nhượng toàn bộ 10,000 cổ phiếu đã nhận bằng cổ tức trong năm X1. Với giá chuyển nhượng là 45.000/cổ phiếu. Như vậy trong năm X2, bà sẽ phải nộp thuế TNCN từ đầu tư vốn và chuyển nhượng chứng khoán.

Cụ thể:

  • Nghĩa vụ thuế TNCN từ đầu tư vốn: 10,000 cổ phiếu * 10,000 * 5% = 5 triệu VNĐ
  • Nghĩa vụ thuế TNCN từ chuyển nhượng chứng khoán: 10,000 cổ phiếu * 45,000 * 0.1% = 0.45 triệu VNĐ

Quy định chi tiết về việc tính thuế TNCN từ chuyển nhựng chứng khoán thì các bạn có thể tham khảo ở đây: Thuế TNCN từ chuyển nhượng chứng khoán

Không có gì khó khăn đúng không nào?

Trong bài viết tiếp theo, hãy đi tìm hiểu về thuế TNCN từ chuyển nhượng vốn nhé!

Các bạn có thể tham khảo Video bài giảng ở đây:

Published inF6 TaxationThuế

Be First to Comment

    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *