[CPA – LT Tài chính] Đánh giá dự án đầu tư – Phần 3

Bài 4 của Series Bài giảng lý thuyết Môn Tài chính Đề thi CPA – Chủ đề “Đánh giá dự án đầu tư” – Phần 3: “Đánh giá dự án đầu tư trong một số trường hợp đặc biệt”

Trong bài viết cuối cùng của chủ đề này, chúng ta hãy cùng đi xem các trường hợp đặc biệt trong đánh giá dự án đầu tư nhé.

Có thể bạn quan tâm: Đánh giá dự dán đầu tư – Phương pháp NPV & IRR

4. Đánh giá dự án đầu tư trong một số trường hợp đặc biệt

Một số trường hợp đánh giá dự án đầu tư đặc biệt chúng ta cần xem xét trong phạm vi Đề cương ôn thi CPA môn Tài chính:

  • Doanh nghiệp bị giới hạn về nguồn vốn
  • Các dự án không đồng nhất về thời gian
  • Khi có mâu thuẫn giữa IRR và NPV
  • Lạm phát
  • Có rủi ro & sự không chắc chắn

4.1. Đánh giá dự án đầu tư trong trường hợp DN bị giới hạn về nguồn vốn (“capital rationing”)

Như đã nói bên trên, khi DN có đầy đủ vốn thì tất cả dự án có NPV > 0 đều có thể được chọn. Tuy nhiên, trong thực tế thì nguồn vốn đầu tư của DN thường sẽ bị hạn chế ở 1 mức nhất định. Do vậy, DN sẽ phải tìm cách để tối ưu danh mục đầu tư của mình. Phân bổ nguồn vốn cho những dự án tối ưu nhất.

Trong trường hợp này, nếu xếp hạng dự án theo NPV sẽ có thể đưa ra kết quả sai. Do NPV thường dẫn đến lựa chọn các dự án lớn với NPV lớn. Tuy nhiên khi tính tổng NPV của các dự án này thì có thể sẽ nhỏ hơn tổng NPV của các dự án nhỏ hơn.

Phương pháp có thể sử dụng ở đây là PI – Profitability Index – Chỉ số sinh lời

PI là gì?

Phản ánh mối quan hệ giữa giá trị hiện tại (PV) của dòng tiền thuần hàng năm của dự án đầu tư so với vốn đầu tư ban đầu

Nguyên tắc lựa chọn?

  • Dự án có PI <1: Loại bỏ
  • Dự án có PI = 1: Có thể lựa chọn hoặc từ chối dự án.
  • Dự án PI >1: cần xem xét 2 trường hợp: Nếu các dự án độc lập nhau thì các dự án đều có thể được chấp thuận. Ngược lại, nếu các dự án loại trừ lẫn nhau thì dự án có PI lớn nhất sẽ được chọn.

Cách áp dụng?

  • Xếp hạng các dự án theo PI.
  • Điều chỉnh danh sách các dự án nhằm sử dụng tối đa nguồn vốn hiện có và tối đa hoá NPV.

Ưu nhược điểm

Ưu điểmNhược điểm
1. Phản án mối liên hệ giữa thu nhập do dự án đưa lại với số vốn đầu tư bỏ ra để thực hiện dự án.1. Giống như phương pháp IRR, PI  cũng không phản ánh trực tiếp giá trị tăng thêm của dự án.
2. Có thể sử dụng để so sánh các dự án có số vốn đầu tư khác nhau để thấy được mức sinh lời giữa các dự án.2. Chỉ có thể áp dụng khi các dự án là có thể chia nhỏ. Nếu dự án không thể chia nhỏ, DN sẽ phải tìm ra cơ cấu đầu tư tối ưu bằng cách thử kết hợp các dự án để tìm ra phương án mang lại NPV cao nhất
3. Sử dụng được trong trường hợp nguồn vốn bị giới hạn.
4. Cho phép đánh giá khả năng sinh lời của dự án đầu tư có tính đến yếu tố giá trị thời gian của tiền.3. Không xem xét đến quy mô tuyệt đối của mỗi dự án. 1 dự án với PI cao có thể là 1 dự án nhỏ, và có NPV nhỏ.
5. Tương tự như NPV, PI cũng giả định tỷ lệ tái đầu tư bằng với mức chi phí sử dụng vốn của dự án. Giả định này phù hợp hơn so với phương pháp IRR

4.2. Đánh giá dự án đầu tư trong trường hợp các dự án có thời gian khác nhau

Khi học về phương pháp NPV, chúng ta đã đề cập 1 nhược điểm của phương pháp này là không áp dụng được khi các dự án có thời gian khác nhau.

Hỏi: Chúng ta làm thế nào?

Trả lời: quy đổi các dự án về cùng tuổi thọ.

Hỏi: Cách làm?

Trả lời: Làm theo 3 bước sau:

  • Tính NPV của từng dự án
  • Tính NPV bình quân/năm
  • Lựa chọn dự án có NPV bình quân cao nhất

4.3. Đánh giá dự án đầu tư khi 2 phương pháp IRR và NPV có kết quả khác nhau

Khi các dự án là xung khắc, loại trừ lẫn nhau – chỉ 1 dự án được chọn. Khi đó, DN sẽ phải xếp hạng các dự án để lựa chọn 1 dự án tốt nhất.

Tuy nhiên, 1 dự án có NPV cao nhất lại có thể có IRR thấp hơn các dự án còn lại. Nghĩa là 2 phương pháp IRR và NPV có thể đưa ra kết quả xếp hạng dự án khác nhau.

Như vậy, kết quả nào sẽ được chọn?

  • Bước 1: Tìm một tỷ lệ chiết khấu cân bằng giữa NPV của dự án A và B
  • Bước 2: So sánh giữa tỷ suất chiết khấu cân bằng với chi phí sử dụng vốn của hai dự án để lựa chọn dự án có hiệu quả hơn thông qua NPV.

Ví dụ

Một công ty đang xem xét khả năng đầu tư một trong hai dự án sau:

  • Dự án A có vốn đầu tư ban đầu là 3.600 triệu; thời gian là 10 năm và tạo ra thu nhập ròng mỗi năm là 800 triệu đồng.
  • Dự án B có vốn đầu tư ban đầu là 1.500 triệu; Thu nhập ròng mỗi năm là 370 triệu đồng trong 10 năm.

Hỏi công ty nên lựa chọn dự án nào? Biết rằng:

  • Chi phí sử dụng vốn là 12%.
  • Nếu xét theo NPV thì A sẽ được chọn (NPVa = 920 Tr & NPV b = 590,574 Tr)
  • Nếu xét theo IRR thì B sẽ được chọn (IRRa = 17.97% & IRRb = 21.25%)

Đáp án:

Gọi rc là tỷ lệ chiết khấu cân bằng (tại đó NPVa = NPVb)

Vì 2 dự án A và B đều tạo ra dòng tiền đều hàng năm. Nên chúng ta có thể áp dụng công thức tính Giá trị hiện tại của dòng tiền đều và tính ra NPVa & NPVb

PV = C* [1 – (1+r) ^(-n)] / r

NPVa = 800tr * [1 – (1+rc)^(-10)]/rc – 3.600tr

NPVb = 370tr * [1 – (1+rc)^(-10)]/rc -1.500tr

Giải phương trình NPVa = NPVb ta tính ra được rc = 15.73%

Kết luận:

rc (15.73%) > Chi phí sử dụng vốn của 2 dự án (12%) nên dự án A sẽ được chọn vì với mức chi phí sử dụng vốn đó, NPVa > NPVb.

(Các bạn vẽ đồ thị biễu diễn NPV và chi phí sử dụng vốn của 2 dự án sẽ hiểu được tại sao lại đưa kết luận như vậy. Hoặc các bạn có thể xem Video tương ứng mình đã bổ sung cho phần ví dụ này)

4.4. Đánh giá dự án đầu tư khi có ảnh hưởng của Lạm phát

Chúng ta đã biết rằng Tiền tệ có giá trị thời gian. Và 1 trong các lý do đó là Lạm phát làm đồng tiền bị mất giá.

Và khi đánh giá dự án đầu tư, DN sẽ phải bao gồm ảnh hưởng của lạm phát lên dòng tiền và cả tỷ lệ chiết khấu sử dụng

Ví dụ:

DN có thể xây dựng giá bán đơn vị năm hiện tại (năm 0) là 20.000/sp. Và với tỷ lệ lạm phát là 5%, thì giá bán đơn vị năm 1 là 20.000 * (1+5%) = 21.000/sp. Sản lượng tiêu thụ năm 1 dự kiến là 100 sản phẩm.

Như vậy:

Dòng tiền năm 1 khi chưa điều chỉnh ảnh hưởng của lạm phát là: 20.000 * 100 = 2.000.000 (đây được gọi là Dòng tiền thực tế)

Dòng tiền năm 1 khi đã điều chỉnh ảnh hưởng của lạm phát là: 21.000 * 100 = 2.100.000 (đây được gọi là Dòng tiền danh nghĩa)

Với lãi suất, có mối quan hệ giữa lãi suất thực tế (chưa điều chỉnh ảnh hưởng của lạm phát) và lãi suất danh nghĩa (đã điều chỉnh ảnh hưởng của lạm phát). Mối quan hệ này được thể hiện qua mô hình Fisher:

(1 + i) = (1+h) * (1+r)

Hỏi: Vậy chúng ta dùng lãi suất nào để chiết khấu dòng tiền?

Trả lời: Áp dụng theo nguyên tắc:

  • Dòng tiền danh nghĩa chiết khấu theo lãi suất danh nghĩa
  • Dòng tiền thực tế sẽ chiết khấu theo lãi suất thực tế

Phần này trong đề thi mình chưa thấy xuất hiện bao giờ. Nên mình chỉ nêu cho các bạn biết qua thôi. Không lấy ví dụ giải thích kỹ.

4.5. Xem xét ảnh hưởng của rủi ro và sự không chắc chắn trong đánh giá dự án đầu tư

Trong thực tế luôn tồn tại rủi ro cho mọi dự án đầu tư. Chả có cái gì chắc chắn 100% cả. Do vậy để kết quả đánh giá dự án chính xác, thì DN sẽ cần phải bao gồm yếu tố rủi ro & không chắc chắn này trong đánh gía của mình.

Chúng ta (thậm chí cả sách) thường nhầm lẫn, và gộp chung 2 khái niệm “rủi ro” & “sự không chắc chắn”.

Tuy nhiên, trong quản lý tài chính 2 khái niệm này được phân biệt rất rõ ràng:

  • Rủi ro là những kết quả trong tương lai không thể dự đoán 1 cách chắc chắn nhưng có thể ước tính khả năng có thể xảy ra cho mỗi kết quả này
  • Sự không chắc chắn là những kết quả trong tương lai không thể dự đoán 1 cách chắn chắn và không thể ước tính khả năng có thể xảy ra cho mỗi kết quả này

Để xem xét ảnh hưởng của rủi ro trong đánh giá dự án, chúng ta sử dụng phương pháp Phân tích xác suất (Probability analysis).

Để xem xét ảnh hưởng của sự không chắc chắn, chúng ta sử dụng phương pháp Phân tích độ nhạy (Sensitivity analysis).

Trong đề cương ôn thi CPA môn Tài chính chỉ đề cập đến Phương pháp Phân tích độ nhạy. Nên mình sẽ chỉ giải thích về phương pháp này.

Phương pháp Phân tích độ nhạy là gì?

Là phương pháp phân tích sự không chắc chắn của 1 dự án và đánh giá độ nhạy cảm/sự thay đổi của NPV của dự án khi có sự thay đổi trong các biến số được sử dụng để tính NPV. Ví dụ: sản lượng tiêu thụ, đơn giá bán, chi phí sử dụng vốn…

Cách làm?

  • Tính NPV của dự án
  • Xác định PV của dòng tiền cho từng biến số
  • Tính độ nhạy cảm của từng biến số: Độ nhạy = (NPV / PV của biến số) %

Chỉ số càng thấp thì độ nhạy cảm càng cao.

3 bình luận về “[CPA – LT Tài chính] Đánh giá dự án đầu tư – Phần 3”

    • Thuy ơi, Ad nói qua chút nhé. Kiểu như dự án 1 có thời gian là 4 năm. Dự án 2 có thời gian là 5 năm.
      Sau đó có thông tin dòng tiền từng dự án. Ví dụ dự án 1 có NPV là 1.500 còn dự án 2 có NPV là 1.700
      Vì thơi gian dự án khác nhau nên nếu so sánh trực tiếp tổng NPV của 2 dự án luôn thì không có ý nghĩa. Kiểu như so sánh chiều cao của 1 đứa 4 tuổi với 1 đứa 5 tuổi, thì có chênh lệch cũng không ý nghĩa.
      Chính vì vậy, chia trung bình. Dự án 1 có NPV bình quân là 1.500/4 = 385 còn Dự án 2 có NPV bình quân là 1.700/5 = 340
      Như vậy dự án 1 có NPV bình quân cao hơn => được chọn

      • Bạn có thể áp dụng công thức giá trị hiện tại của dòng tiền đều đồng nhất để tìm C, với r là chi phí sử dụng vốn bình quân

Bình luận đã đóng.

You cannot copy content of this page