Skip to content

[CPA – BT Kiểm toán] Chủ đề “Xét đoán rủi ro trong giai đoạn lập kế hoạch”

Bài số 6 của Series các dạng bài tập của Đề thi CPA môn Kiểm toán: Chủ đề “Bài tập đánh giá rủi ro kiểm toán trong giai đoạn lập kế hoạch”

Dạng bài tập đánh giá rủi ro kiểm toán trong giai đoạn lập kế hoạch gần như năm nào cũng xuất hiện. Chính vì vậy nên chúng ta phải ôn luyện thật nhuần nhuyễn.

Có thể bạn quan tâm: Tổng hợp các dạng bài tập Đề thi CPA Môn Kiểm toán

1. Tình huống thường gặp của bài tập đánh giá rủi ro kiểm toán

Trong thực tế thì việc đánh giá rủi ro kiểm toán trong giai đoạn lập kế hoạch thường bao gồm rất nhiều việc chi tiết. Tuy nhiên, do giới hạn về thời gian và hình thức thi nên dạng bài này thường chỉ tập trung vào 2 vấn đề:

  • Đánh giá rủi ro kiểm toán có thể xảy ra từ các thông tin thu thập ban đầu liên quan đến đơn vị được kiểm toán (*)
  • Xác định các thủ tục kiểm toán liên quan để hạn chế rủi ro kiểm toán

(*) Rủi ro đề cập đến ở đây bao gồm cả rủi ro kiểm soát. Tuy nhiên, rủi ro kiểm soát cùng với hệ thống kiểm soát nội bộ có nội dung kiến thức riêng. Nên mình đã tách thành 1 dạng bài độc lập. Các bạn có thể tham khảo tại đây: Dạng bài rủi ro kiểm soát và thủ tục kiểm soát

2. Kiến thức liên quan đến bài tập đánh giá rủi ro kiểm toán

Có thể nói nội dung quan trọng nhất trong giai đoạn Lập kế hoạch kiểm toán chính là: xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu (ở cấp độ BCTC và cấp độ cơ sở dẫn liệu) thông qua hiểu biết về đơn vị được kiểm toán và môi trường của đơn vị.

(1) Cách thức xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu

Để đánh giá, KTV phải:

B1. Xác định rủi ro thông qua tìm hiểu về đơn vị và môi trường của đơn vị. Và xem xét các nhóm giao dịch, số dư tài khoản và thông tin thuyết minh trong BCTC;
B2. Đánh giá những rủi ro đã xác định. Và đánh giá liệu chúng có ảnh hưởng lan tỏa đến tổng thể BCTC và ảnh hưởng tiềm tàng đến nhiều cơ sở dẫn liệu hay không;
B3. Liên hệ những rủi ro đã xác định với các sai sót có thể xảy ra ở cấp độ cơ sở dẫn liệu. Và cân nhắc xem những kiểm soát nào KTV dự định kiểm tra;
B4. Cân nhắc khả năng xảy ra sai sót. Và liệu sai sót tiềm tàng đó có dẫn đến sai sót trọng yếu hay không.

(2) Những tình huống & sự kiện có thể cho thấy rủi ro có sai sót trọng yếu

Bạn nào chưa có nhiều kinh nghiệm kiểm toán thì rất cần đọc kỹ phần này. Kiến thức này sẽ cần thiết để xác định dấu hiệu có rủi ro có sai sót trọng yếu trong bài tập. Tình huống trong đề thi CPA môn kiểm toán cũng không nằm ngoài những gì đã quy định rõ. Chắc để tránh gây tranh cãi.

– Các hoạt động ở những khu vực kinh tế không ổn định, ví dụ, ở các nước mà tiền tệ bị mất giá nghiêm trọng, hoặc nền kinh tế bị lạm phát ở mức cao;
– Các hoạt động ảnh hưởng bởi thay đổi của thị trường, ví dụ: các giao dịch tương lai;
– Các hoạt động liên quan đến quy định pháp lý có độ phức tạp cao;
– Các vấn đề về tính hoạt động liên tục hay tính thanh khoản, bao gồm việc mất các khách hàng quan trọng;
– Các hạn chế về nguồn vốn và tín dụng;
– Những thay đổi trong ngành nghề mà đơn vị đang hoạt động;
– Những thay đổi trong dây chuyền cung cấp;
– Phát triển hoặc giới thiệu các sản phẩm và dịch vụ mới, hoặc sử dụng dây chuyền sản xuất mới;
– Mở rộng phạm vi hoạt động trên nhiều địa bàn mới;
– Những thay đổi trong đơn vị như những hoạt động mua sắm lớn, tái cơ cấu hoặc các sự kiện bất thường khác;
– Dự kiến bán đơn vị hoặc bộ phận kinh doanh;
– Tồn tại nhiều mối quan hệ liên doanh, liên kết phức tạp;
– Sử dụng các nguồn tài trợ ghi nhận ngoài Bảng cân đối kế toán, những đơn vị có mục đích đặc biệt hoặc có những dàn xếp tài chính phức tạp;
– Có những giao dịch đáng chú ý với các bên liên quan;
– Thiếu hụt về nhân sự có khả năng phù hợp về kế toán và lập báo cáo tài chính;
– Thay đổi nhân sự chủ chốt, bao gồm sự thôi việc của những người điều hành chủ chốt;
– Những khiếm khuyết trong kiểm soát nội bộ, đặc biệt là những khiếm khuyết không được Ban Giám đốc xử lý;
– Mâu thuẫn giữa chiến lược công nghệ thông tin và chiến lược kinh doanh của đơn vị;
– Những thay đổi trong môi trường công nghệ thông tin;
– Cài đặt hệ thống công nghệ thông tin mới, quan trọng liên quan đến việc lập báo cáo tài chính;
– Việc điều tra của các cơ quan quản lý Nhà nước đối với hoạt động hoặc kết quả tài chính của đơn vị;
– Những sai sót, nhầm lẫn trong quá khứ hoặc có những điều chỉnh có giá trị lớn tại thời điểm cuối năm;
– Các giao dịch bất thường có giá trị lớn, gồm những giao dịch nội bộ công ty và các giao dịch doanh thu lớn vào cuối năm;
– Các giao dịch được ghi nhận theo mục đích của Ban Giám đốc
– Áp dụng quy định kế toán mới;
– Các đo lường về kế toán liên quan đến các thủ tục phức tạp;
– Các sự kiện hoặc giao dịch liên quan đến các đo lường không chắc chắn đáng kể, bao gồm các ước tính kế toán;
– Các vụ kiện tụng chưa được giải quyết và các khoản nợ tiềm tàng

PS. Bảng ví dụ này trích từ phụ lục 02 – Chuẩn mực kiểm toán số 315

3. Ví dụ về bài tập đánh giá rủi ro kiểm toán

Tình huống: Đề thi CPA Môn Kiểm toán – Năm 2016 – Đề Chẵn – Câu 4.a

Đáp án gợi ý:

a. Xác định các vấn đề cần lưu ý trong quá trình lập kế hoạch kiểm toán

Từ các thông tin thu thập ban đầu, có thể xác định được một số vấn đề cần lưu ý như sau :

  1. Hoạt động kinh doanh của đơn vị được kiểm toán là xuất khẩu thuỷ sản đông lạnh. Đây là ngành nghề bị phụ thuộc lớn các quy định của nước nhập khẩu. Công ty có thể gặp nhiều khó khăn nếu các nước nhập khẩu có hành động bảo hộ cty trong nước. Mỹ (thị trường chiếm 80% doanh thu của công ty) đã áp thuế chống phá giá lên các mặt hàng cá tra của Việt Nam. Và đang xem xét việc áp thuế lên các sản phẩm thuỷ sản khác. Nếu sản phẩm của công ty thuộc nhóm bị áp thuế, sẽ có rủi ro không đảm bảo được giả định hoạt động liên tục. Do vậy, KTV cần giữ thái độ hoài nghi nghề nghiệp. Và thực hiện các thủ tục để làm rõ sự phù hợp của giả định hoạt động liên tục.
  2. Việc BCKiT của 2 năm trước đều là ý kiến chấp nhận toàn phần là một dấu hiệu tốt. Tuy nhiên cần làm rõ lý do công ty sử dụng 2 công ty kiểm toán khác nhau. Liệu có yếu tố nào khiến cty không nên chấp nhận hợp đồng kiểm toán này không?
  3. Công ty góp vốn 50% thành lập cty liên doanh để cung cấp nguyên liệu đầu vào cho chính mình. Nên sẽ có cần chú ý các điểm sau:
    • Rủi ro đối với các giao dịch nội bộ giữa công ty với công ty liên doanh Hoa Biển.
    • Rủi ro trong việc ghi nhận giá trị khoản đầu tư vào công ty liên doanh Hoa Biển
    • Rủi ro trong việc ghi nhận kết quả kinh doanh 3 tháng cuối Năm N của cty liên doanh (Hoa Biển) vào BCTC Năm N của cty Hoa sao
    • Khoản đầu tư thành lập cty liên doanh chưa được thuyết minh đầy đủ trên BCTC
Published inKiểm toán

7 Comments

  1. Liễu Liễu

    series số 7,8,9 không có hở b

  2. Nam Nam

    Bạn ơi. các bàn tập theo chuyên đề năm 2018 không có lời giải à bạn.

    • Admin Admin

      Ad chưa rõ câu hỏi của bạn. Tuy nhiên series các dạng bài tập môn kiểm toán và môn luật hiện nay web mới làm được 1 nửa. Hiện web đang tập trung làm ACCA là chính nên phải thời gian tới mới hoàn thiện được. Chúc bạn ôn thi tốt.

  3. Trang Trang

    Ad ơi, mình ko thấy bài viết 7 8 9 của seri kiểm toán

    • Meobeo Meobeo

      Hi Trang, hiện tại bọn mình chưa hoàn thiện được cho chuyên đề kiểm toán nên vẫn còn thiếu bài. Hy vọng là kịp xong cho kỳ thi năm nay. 🙂

  4. Bích Bích

    mọi người giúp em bài này với ạ
    Giả sử có các tình huống độc lập dưới đây được kiểm toán viên ghi lại trong quá trình kiểm toán tại một đơn vị (công ty ABC):
    1. Tróng các năm tài chính trước, một nhân viên kế toán theo dõi tài khoản phải thu khách hàng đồng thời thu tiền từ khách hàng và phê duyệt xóa sổ khoản phải thu khó đòi. Trong năm tài chính được kiểm toán, công ty đã tuyển dụng thêm hai nhân viên kế toán có kinh nghiệm để hỗ trợ công việc kế toán hiện hành. Một người chịu trách nhiệm cho theo dõi các khoản tiền thu từ khách hàng, người còn lại chịu trách nhiệm cập nhật tài khoản phải thu khách hàng. Nhân viên kế toán trước đây vẫn chịu trách nhiệm phê duyệt việc xóa sổ khoản phải thu khó đòi.
    2. Để tăng doanh thu bán hàng, Công ty đã áp dụng chính sách thường tính trên doanh thu thực tê của nhân viên bán hàng. Khoản tiền bồi thường sẽ được thực hiện nếu doanh thu bán hàng vượt 10% so với kế hoạch đã giao dịch cho từng nhân viên.
    Yêu cầu:
    – Các tình huống độc lập trên ảnh hưởng như thế nào đến rủi ro tiềm tang hoặc rủi ro kiểm soát? Vì sao? Các tình huống trên sẽ ảnh hưởng tới công việc của kiểm toán viên như thế nào?
    – Gợi ý biện pháp kiểm toán để hạn chế rủi ro đã nhận diện?

    • Lê Nhung Lê Nhung

      Cần lắm câu trả lời?

Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.