- This topic is empty.
-
Người viếtBài viết
-
-
Khi học về thuế chúng ta thường quan tâm đến từng sắc thuế cụ thể như Thuế TNDN hay thuế TNCN, thuế GTGT… với các thông tin chi tiết về công thức tính toán, thuế suất…mà thường bỏ qua 1 vấn đề hết sức quan trọng. Đó là: Sắc thuế này là Thuế Trực thu hay Thuế gián thu?
Sở dĩ chúng ta cần phân loại 1 sắc thuế là Trực thu hay Gián thu vì điều này sẽ ảnh hưởng đến cách xác định Thu nhập tính thuế. Thay vì cố học vẹt và rối tung lên vì không biết lúc nào dùng giá trị đã có thuế, lúc nào dùng giá trị chưa có thuế thì việc phân loại này sẽ giúp chúng ta “nhớ” được rất dễ dàng. Cụ thể:
(1) Thuế trực thu: là loại thuế mà người nộp thuế (cá nhân/tổ chức) trực tiếp nộp cho Nhà nước dựa trên thu nhập hoặc tài sản của họ. Hay nói đơn giản là: Đối tượng chịu thuế = Đối tượng nộp thuế.
Ưu điểm của thuế trực thu là nó xem xét đến khả năng đóng góp của người nộp thuế, góp phần giảm chênh lệch thu nhập và đảm bảo công bằng xã hội. Tuy nhiên, nhược điểm là dễ gây phản ứng từ phía người nộp thuế và có thể dẫn đến tình trạng trốn thuế nếu mức thuế suất cao.
Hai ví dụ điển hình của thuế trực thu là:
-
Thuế thu nhập doanh nghiệp (CIT): Đây là thuế được tính trực tiếp trên thu nhập chịu thuế của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải nộp thuế dựa trên lợi nhuận họ kiếm được sau khi trừ đi các chi phí hợp lý => Đối tượng chịu thuế và Đối tượng nộp thuế đều là doanh nghiệp có phát sinh thu nhập.
-
Thuế thu nhập cá nhân (PIT): Loại thuế này áp dụng trực tiếp lên thu nhập của cá nhân, bao gồm lương, tiền công và các nguồn thu nhập khác => Đối tượng chịu thuế và Đối tượng nộp thuế đều là cá nhân có phát sinh thu nhập. Đến chỗ này có thể có bạn thắc mắc: Tôi có tự nộp thuế TNCN cho tôi đâu, là công ty nộp mà? Thì vấn đề là: Các cá nhân sẽ là đối tượng phải nộp thuế TNCN. Tuy nhiên, để tiện cho việc quản lý thì cơ quan nhà nước mới quy định rằng các tổ chức chi trả thu nhập có nghĩa vụ khấu trừ và nộp thuế thay cho cá nhân.
Với thuế trực thu, Thu nhập tính thuế của mỗi sắc thuế sẽ là thu nhập đã bao gồm thuế tương ứng. Nếu thu nhập phát sinh chưa bao gồm thuế thì sẽ phải Gross-up lên thành Thu nhập đã bao gồm thuế.
Lý do: Thuế trực thu đánh trực tiếp vào thu nhập. Khi thu nhập phát sinh, nó đã là thu nhập bao gồm cả phần thuế sẽ phải nộp. Việc tính thuế trên toàn bộ giá trị đã bao gồm thuế sẽ hợp lý vì nó phản ánh đầy đủ giá trị kinh tế mà đối tượng nộp thuế tạo ra hoặc nhận được. Hay nói cách khác, nó sẽ phản ánh đầy đủ khả năng đóng góp, năng lực kinh tế của người nộp thuế – là mục tiêu điều tiết của các loại thuế đánh vào thu nhập như CIT hay PIT nhằm giảm chênh lệch thu nhập và đảm bảo công bằng xã hội.
(2) Thuế gián thu: là loại thuế mà người nộp thuế không phải là người chịu thuế cuối cùng, thay vào đó thuế được cộng vào giá bán hàng hóa hoặc dịch vụ, và người tiêu dùng cuối cùng sẽ chịu khoản thuế này. Nói cách khác là: Thuế gián thu là loại thuế điều tiết một cách gián tiếp vào thu nhập của người tiêu dùng HHDV thông qua cơ chế giá => Đối tượng chịu thuế khác với Đối tượng nộp thuế.
Hai ví dụ điển hình của thuế gián thu là:
-
Thuế giá trị gia tăng (VAT): Đây là thuế áp dụng trên giá trị tăng thêm của hàng hóa và dịch vụ ở mỗi giai đoạn sản xuất, phân phối. Mặc dù doanh nghiệp nộp thuế này cho nhà nước, nhưng thực tế, người tiêu dùng cuối cùng sẽ chịu khoản thuế này khi mua hàng hóa hoặc dịch vụ => Đối tượng chịu thuế khác với Đối tượng nộp thuế.
-
Thuế tiêu thụ đặc biệt: Loại thuế này áp dụng cho một số hàng hóa, dịch vụ đặc biệt như rượu, bia, thuốc lá, ô tô,… Mục đích là hạn chế tiêu dùng các sản phẩm có hại cho sức khỏe hoặc xa xỉ. Doanh nghiệp sản xuất hoặc kinh doanh các mặt hàng này sẽ nộp thuế, nhưng chi phí này thường được chuyển cho người tiêu dùng thông qua giá bán => Đối tượng chịu thuế khác với Đối tượng nộp thuế.
Ưu điểm của thuế gián thu là tạo nguồn thu ổn định cho ngân sách nhà nước và ít gây phản ứng từ người tiêu dùng. Tuy nhiên, nhược điểm là không xem xét đến hoàn cảnh của người nộp thuế, có thể không đảm bảo công bằng xã hội và mang tính lũy thoái, tức là người có thu nhập thấp phải chịu tỷ lệ thuế cao hơn so với thu nhập của họ.
Với thuế gián thu, Thu nhập tính thuế của mỗi sắc thuế sẽ là thu nhập KHÔNG bao gồm thuế tương ứng.
Lý do:
- Thuế gián thu đánh vào giá trị hàng hoá dịch vụ. Việc thu nhập tính thuế không bao gồm thuế sẽ hợp lý vì đảm bảo phản ánh đúng giá trị kinh tế của hàng hóa phải chịu thuế, không bị tăng cao thêm do thuế phát sinh.
- Nếu thu nhập tính thuế của hàng hoá đã bao gồm cả thuế phát sinh thì sẽ dẫn đến tình trạng “thuế chồng thuế” – tức là đánh thuế lên một khoản thuế đã nộp, tạo ra hiệu ứng “lũy tiến ẩn” và làm tăng gánh nặng thuế một cách không công bằng.
-
-
-
Người viếtBài viết