Skip to content

“IAS 7 Statement of Cash Flows” & Cách lập Báo cáo lưu chuyển tiền tệ

Đúng như tiêu đề, đây sẽ là 1 bài viết chi tiết và cặn kẽ về Báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo chuẩn mực IAS 7 Statement of cash flows. Trong bài viết này, Ad sẽ đi giải thích tất tần tật, từ bản chất của Báo cáo lưu chuyển tiền tệ là gì? Cho đến cách lập Báo cáo lưu chuyển tiền tệ riêng và Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất? Vậy nên, nếu bạn đang quan tâm đến chủ đề này, thì hãy cùng Ad bắt đầu hành trình nhé.

Phần 1. Bản chất Báo cáo lưu chuyển tiền tệ là gì? Các nguyên tắc xác định dòng tiền của doanh nghiệp?

1. Bản chất Báo cáo lưu chuyển tiền tệ là gì?

Các bạn hẳn đã biết rằng 1 bộ Báo cáo tài chính theo quy định của IFRS gồm 5 thành phần:

  • Bảng cân đối kế toán (“A statement of financial position”);
  • Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh (“A statement of profit and loss and other comprehensive income”)
  • Báo cáo Lưu chuyển tiền tệ (“A statement of cash flows”);
  • Báo cáo thay đổi vốn chủ sở hữu (“A statement of changes in equity”);
  • Thuyết minh BCTC (“Notes”)

Các bạn hẳn cũng đã biết:

Bảng cân đối kế toán sẽ phản ánh tình hình tài chính của công ty tại 1 thời điểm. Báo cáo KQHĐKD sẽ phản ánh tình hình tài chính của công ty trong 1 thời kỳ.

Nghe cũng khá là đầy đủ rồi nhỉ. Vậy, tại sao còn phải sinh ra cái Báo cáo lưu chuyển tiền tệ làm chi nữa?

Để trả lời câu hỏi này chúng ta phải làm rõ vấn đề sau về nguyên tắc ghi nhận giao dịch theo Cở sở dồn tích của chúng ta. Theo cơ sở dồn tích thì:

  • Công ty có thể bán hàng và ghi nhận doanh thu trong kỳ khi chưa thực thu tiền
  • Công ty có thể mua hàng và ghi nhận chi phí trong kỳ khi chưa thực chi tiền

Như vậy, ghi nhận doanh thu/chi phí không đồng nghĩa với dòng tiền vào/dòng tiền ra sẽ thực phát sinh ở doanh nghiệp. Hay nói cách khác là: Có sự khác biệt giữa lượng tiền thu vào và doanh thu trong kỳ, giữa chi phí ghi nhận và lượng tiền chi ra trong một kỳ. Và do đó, sẽ khó khăn cho những người sử dụng BCTC không có kiến thức về kế toán.

Nguyên tắc ghi nhận này trái ngược với việc ghi nhận giao dịch theo Cơ sở tiền. Mà theo đó: Các giao dịch sẽ chỉ được ghi nhận khi chúng thực phát sinh bằng tiền. Và do vậy, lợi nhuận và dòng tiền từ hoạt động kinh doanh trong một kỳ sẽ bằng nhau.

Không phải tự nhiên mà lại tồn tại nguyên tắc hạch toán theo cơ sở tiền. Bởi vì hạch toán theo cơ sở dồn tích có những hạn chế nhất định của nó. Có thể kể đến là các công ty có thể tìm cách “làm đẹp” Báo cáo tài chính bằng cách lựa chọn các chính sách phân bổ chi phí, doanh thu. Dẫn đến là công ty có thể có lợi nhuận rất cao nhưng dòng tiền thì âm. Và chẳng bao lâu thì phá sản phì không đủ tiền cho hoạt động.

Chính vì vậy, ngoài việc lập báo cáo theo cơ sở dồn tích (BCĐKT & BCKQHĐKD) công ty còn phải lập thêm báo cáo theo cơ sở tiền. Đó chính là Báo cáo lưu chuyển tiền tệ

Well, đến đây có thể sẽ có bạn tranh cãi xem khẳng định này của mình có đúng không. Nhưng hãy ghìm lại chút đã nhé. Vì chúng ta sẽ có thể nhìn kỹ vấn đề này khi tìm hiểu cách lập Báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Còn bây giờ, Chúng ta hãy đi xem thực chất báo cáo lưu chuyển tiền tệ là gì đã.

Báo cáo Lưu chuyển tiền tệ là báo cáo phân tích sự biến động ra vào của các khoản mục tiền & tương đương tiền trong kỳ. 

Trong đó:

  • Tiền: bao gồm tiền mặt & tiền gửi có thể sử dụng theo nhu cầu
  • Tương đương tiền: bao gồm các khoản tiền gửi ngắn hạn & có độ thanh khoản cao – có khả năng chuyển đổi sang 1 lượng tiền tương ứng mà không phải chịu rủi ro do thay đổi trong giá trị

Các bạn hãy xem 2 mẫu Báo cáo lưu chuyển tiền tệ sau:

Báo cáo LCTT theo phương pháp gián tiếp

Báo cáo LCTT theo phương pháp trực tiếp

2. Các nguyên tắc xác định dòng tiền của doanh nghiệp?

Nhìn vào 2 mẫu báo cáo bên trên chúng ta có thể thấy rằng: Dù lập theo phương pháp nào thì Báo cáo Lưu chuyển tiền tệ cũng dựa trên nguyên tắc đầu tiên là:

Số dư tiền cuối kỳ = Số dư tiền đầu kỳ + Dòng tiền thuần phát sinh trong kỳ.

Trong đó: Dòng tiền thuần phát sinh trong kỳ được xác định từ 3 nhóm hoạt động:

  • Hoạt động kinh doanh (“Operating activities”): là các hoạt động chính tạo ra doanh thu của doanh nghiệp & các hoạt động khác mà không phải là hoạt động đầu tư (“Investing activities”) & hoạt động tài chính (“Financing activities”). Ví dụ về dòng tiền phát sinh từ “Operating activities” là: tiền thu từ bán HHDV, tiền chi thanh toán mua HHDV, tiền chi thanh toán lương.
  • Hoạt động đầu tư (“Investing activities”): là các hoạt động như mua hoặc bán các tài sản dài hạn & các khoản đầu tư không bao gồm trong “Cash equivalent”. Ví dụ về dòng tiền phát sinh từ “Investing activities” là: tiền chi mua sắm tài sản dài hạn; tiền thu được từ thanh lý tài sản; tiền thanh toán, tiền thu được do mua/bán cổ phiếu của công ty khác.
  • Hoạt động tài chính “Financing activities”: là các hoạt động làm phát sinh sự thay đổi trong cấu trúc & quy mô của VCSH và các khoản công nợ. Ví dụ về dòng tiền phát sinh từ “Financing activities” là: tiền thu được từ phát hành cổ phiếu/phát hành trái phiếu/đi vay; tiền gốc thanh toán cho hợp đồng thuê (tiền lãi trả sẽ là “Operating activities”).

Lưu ý: 

  • Nhiều bạn hay nhầm lẫn việc xếp dòng tiền vào hoạt động đầu tư hay tài chính. Để phân biệt 2 hoạt động này thì Ad vẫn dùng cách là xem dòng tiền này có làm phát sinh thay đổi cơ cấu vốn / nợ phải trả của doanh nghiệp hay không? Nếu có thì là hoạt động tài chính, nếu không thì là hoạt động đầu tư.
  • Cổ tức công ty chi trả cho cổ đông có thể được xếp vào mục “Operating activities” hoặc là “Financing activities”. Bởi vì xét từ khía cạnh cổ tức là chi phí vay vốn mà công ty phải trả cho nhà đầu tư thì đây là “Financing activities”. Còn xét từ khía cạnh nhà đầu tư là chủ sở hữu của công ty thì cổ tức có thể được xếp vào “Operating activities”.
  • Với các khoản vay của công ty: tiền gốc được xếp vào “Financing activities” vì dòng tiền này làm thay đổi cấu trúc Equity/Debt của công ty. Còn tiền lãi vay đã trả được xếp vào “Operating activities” vì dòng tiền này là 1 loại chi phí thông thường để duy trì hoạt động của doanh nghiệp.

Phần 2. Cách lập Báo cáo lưu chuyển tiền tệ riêng

Có 2 phương pháp:

  • Phương pháp trực tiếp: Trực tiếp xác định các dòng tiền phát sinh cho từng hoạt động của công ty. Sau đó tính ra dòng tiền thuần phát sinh trong kỳ.
  • Phương pháp gián tiếp: Điều chỉnh chỉ tiêu “Net profit/Loss” để loại trừ ảnh hưởng của các giao dịch “non-cash”. Từ đó xác định dòng tiền thuần phát sinh trong kỳ

Phương pháp trực tiếp được khuyến khích hơn vì nó có thể sử dụng để ước tính dòng tiền trong tương lai. Nhưng trong thực tế thì phương pháp gián tiếp lại được sử dụng rộng rãi hơn vì đơn giản.

Sau đây, hãy cùng xem các bước lập Báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo 2 phương pháp này thông qua tình huống sau:

[Tình huống 1]

1 công ty có BS và PL cho năm tài chính kết thúc vào 31.3.20X8 như sau:

ITEMS20X8 ($000)
Revenue           1,476 
Cost of sales            (962)
Gross profit              514 
Other expenses            (157)
Finance costs              (15)
Profit before tax              342 
Tax expenses            (162)
Profit for the year              180 
Other comprehensive income:
Gain on revaluation of PPE              100 
Total comprehensive income              280 
ASSETS20X8 ($000)20X7 ($000)
Non-current assets1,215897 
Property plant & equipment925  737 
Development projects290 160 
Current assets806     714            
Inventories360 227 
Trade Receivables274 324 
Investments143 46 
Cash29 117 
Total assets2,021       1,611             
LIABILITIES & EQUITY
Owner’s equity1,239  815
Equity shares ($1/share)500 400 
Share premium350100
Retained earnings229 255 
Revaluation surplus160 60 
Non-current liabilities298 225 
6% Loan notes150 100 
Leased liabilities100 80 
Deferred tax 48 45 
Current liabilities484 571 
Trade and other payables274 352 
Lease liabilities17 12 
Current tax liabilities56 153 
Loan note interest – 
Bank overdraft132 54 
Total equity & liabilities2,021          1,611       

Thông tin bổ sung:

  • Chi phí hao mào của khoản mục Development projects trong năm là $60.000
  • 1 khoản mục PPE có giá trị còn lại là $103.000 được bán với giá $110.000. Lợi nhuận từ giao dịch này đã được bù trừ với khoản mục “Other expenses”. Chi phí khấu hao trong kỳ của PPE là $57.000. A Co đã mua 1 khoản mục PPE trị giá $56.000 theo hình thức đi thuê. Các khoản thanh toán tiền thuê được thanh toán sau, vào ngày cuối cùng của mỗi kỳ thuê.
  • A Co đã quyết định phân loại các khoản đầu tư ngắn hạn là Tương đương tiền.
  • Khoản vay mới (“loan notes”) được phát hành vào 1.4.X7. Chi phí tài chính bao gồm chi phí lãi vay và chi phí thuê tài chính.
  • A Co đã phát hành cổ phiếu thưởng theo tỷ lệ 1:8, vốn hoá vào RE, sau đó sẽ là 1 quyền mua.

Yêu cầu: Lập Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho A Co theo phương pháp gián tiếp và trực tiếp

2 phương pháp này sẽ chỉ khác nhau ở phần xác định Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh (“Operating activities”). Chúng ta sẽ đi giải quyết lần lượt từng phương pháp nhé.

1. Cách lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ gián tiếp

Để giúp các bạn dễ hình dung thì Ad tạm chia quy trình lập Báo cáo lưu chuyển tiền tệ gián tiếp thành 7 bước sau:

Bước 1. Xác định chỉ tiêu “Profit/Loss before taxation”. Chỉ tiêu này thường được cung cấp sẵn thông tin trên PL.

Bước 2. Xác định 3 nhóm chỉ tiêu cần điều chỉnh. Nhiều bạn không hiểu bản chất của việc điều chỉnh nên thường nhầm lẫn không biết lúc nào cần (+), lúc nào cần (-). Chính vì vậy nên các bạn cố gắng đọc kỹ để hiểu logic đằng sau việc điều chỉnh nhé.

Nhóm 1: Giá trị các khoản mục phi tiền tệ phát sinh trong kỳ. Đề bài thường cho sẵn thông tin trong phần Notes hoặc PL. Nếu là khoản mục chi phí thì chúng ta (+) còn nếu là khoản mục lợi nhuận thì chúng ta (-).

  • Chi phí khấu hao
  • Các khoản dự phòng
  • Lãi/lỗ chênh lệch tỷ giá
  • Các khoản chi phí trích trước

Nhóm 2: Chênh lệch số dư đầu kỳ – cuối kỳ của các khoản mục làm biến động dòng tiền trong kỳ: Hàng tồn kho; Các khoản phải thu; Các khoản phải trả. Với nhóm này, chúng ta chỉ cần lấy số dư cuối kỳ – số dư đầu kỳ là xong

  • Hàng tồn kho: Nếu là biến động tăng sẽ có ý nghĩa là công ty bị tồn đọng tiền trong HTK. Do vậy số dư tiền phải giảm (-). Và ngược lại.
  • Các khoản phải thu: Nếu là biến động tăng sẽ có nghĩa là công ty đang bị khách hàng chiếm dụng vốn, thu được ít tiền hơn. Do vậy số dư tiền phải giảm (-). Và ngược lại.
  • Các khoản phải trả: Nếu là biến động tăng sẽ có nghĩa công ty đang chiếm dụng được vốn của nhà cung cấp, phải trả ít tiền hơn. Do vậy, số dư tiền phải tăng (+). Và ngược lại.

Nhóm 3: Giá trị các khoản doanh thu/chi phí có dòng tiền thuộc “Investing activities” hoặc “Financing activities”. . Nếu là khoản mục chi phí thì chúng ta (+) còn nếu là khoản mục lợi nhuận thì chúng ta (-).

Ví dụ: Lãi lỗ từ thanh lý tài sản cố định có dòng tiền tương ứng thuộc về Hoạt động đầu tư nên sẽ được loại khỏi Lợi nhuận kế toán trước thuế khi xác định dòng tiền từ hoạt động kinh doanh.

Sau khi lấy “Profit/Loss before taxation” điều chỉnh cho 3 nhóm chỉ tiêu này, chúng ta sẽ tính ra được “Cash generated from operation”.

Bước 3. Xác định các khoản chi trực tiếp được phân loại vào “Operating activities”:

  • Chi phí lãi vay đã trả trong kỳ (“Interest paid”)
  • Thuế thu nhập đã nộp (“Income taxes paid”)
  • Cổ tức đã chi trả trong kỳ (“Dividends paid”)

Bước 4. Tính ra chỉ tiêu “Net cash from operating activities” bằng cách tổng hợp kết quả từ Bước 1 đến Bước 3

Bước 5. Xác định các chỉ tiêu thuộc “Investing activities”

  • Tiền chi đầu tư mua sắm PPE trong kỳ (“PPE purchased”)
  • Tiền thu từ thanh lý PPE/TSCĐ vô hình (“Proceeds from sales of PPE/Intangible assets”)
  • Thu nhập tiền lãi đã nhận (“Interest income received”)

Bước 6: Xác định các chỉ tiêu thuộc “Financing activities”

  • Tiền thu từ phát hành cổ phiếu (“Proceeds from issue of share capital”)
  • Tiền thu từ khoản vay dài hạn (“Proceeds from long-term borrowings”)
  • Thanh toán nợ thuê tài chính & nợ dài hạn (“Payment of Lease liability & borrowings”)

Bước 7. Xác định tiền & tương đương tiền tăng giảm trong kỳ

Áp dụng vào tình huống: Các bạn xem trong Video Đáp án Tình huống 1

2. Cách lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ trực tiếp

Bước 1. Xác định chỉ tiêu “Net Cash from Operating activities”

  • Tiền thu từ khách hàng (“Cash received from customers”)
  • Tiền đã trả cho nhà cung cấp (“Cash paid to suppliers”)
  • Tiền chi trả cho nhân viên (“Cash paid to employees”)
  • Chi phí lãi vay đã trả (“Interest paid”)
  • Thuế đã nộp (“Taxes paid”)
  • Cổ tức đã trả (“Dividends paid”)

Bước 2. Xác định các chỉ tiêu thuộc “Investing activities”

Bước 3. Xác định các chỉ tiêu thuộc “Financing activities”

Bước 4. Xác định tiền & tương đương tiền tăng giảm trong kỳ

(Từ Bước  2 – Bước 4: Thực hiện hoàn toàn giống như “Indirect method”)

Áp dụng vào tình huống: Các bạn xem trong Video Đáp án Tình huống 1

OK. Sau khi đã nắm được nguyên tắc cũng như quy trình lập Báo cáo lưu chuyển tiền tệ riêng biệt thì bây giờ chúng ta hãy chuyển sang 1 nội dung khó hơn chút. Đó chính là: Lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất.

Phần 3. Cách lập Báo cáo lưu chuyển tiền tệ Hợp nhất

Theo quy định kế toán Việt Nam, Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất chỉ được lập theo phương pháp gián tiếp. Tuy nhiên, theo IFRS thì vẫn sẽ được lập theo 1 trong 2 phương pháp gián tiếp và trực tiếp.

1. Nguyên tắc chung

Cách lập thì tuân thủ các nguyên tắc và trình tự các bước thực hiện đã đề cập đến trong Phần 2.

Tuy nhiên, Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất được lập căn cứ vào Bảng cân đối kế toán hợp nhất, Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất. Và chúng ta sẽ cần phải tuân thủ nguyên tắc sau:

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất sẽ chỉ phản ánh dòng tiền giữa tập đoàn (công ty mẹ & các công ty con) với bên ngoài.

IAS 7 – Statement of cash flows

OK. Đây chính là nguyên tắc cơ bản nhất trong việc hợp nhất Báo cáo tài chính. Bởi vì từ góc độ của tập đoàn, là 1 chủ thể duy nhất, thì các dòng tiền ra vào giữa công ty mẹ và các công ty con trong tập đoàn sẽ không tồn tại vì không có ai tự giao dịch với chính mình cả. Chính vì vậy chúng ta sẽ cần phải xác định & loại bỏ các dòng tiền nội bộ này khi lập Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất.

Khi 1 công ty hạch toán tăng tiền, công ty còn lại hạch toán giảm tiền thì số dư tài khoản tiền sẽ tự động được bù trừ với nhau khi lên BCTC hợp nhất. Và do đó chúng ta không cần quan tâm. Ví dụ, Công ty mẹ chuyển tiền cho công ty con vay. Khi đó, công ty mẹ hạch toán: DR Other receivables / CR Cash. Còn công ty con hạch toán: DR Cash / CR Borrowing. Như vậy các bạn có thể thấy là tổng số dư tiền của tập đoàn không thay đổi gì cả.

Tuy nhiên, cái chúng ta cần chú ý ở đây là “Dòng tiền”.

Ví dụ: Khi 1 công ty mẹ bán tài sản cố định cho công ty con, thì sẽ có dòng tiền thu về từ thanh lý tài sản cố định đúng không ah? Còn công ty con thì sẽ phát sinh dòng tiền chi đầu tư tài sản cố định. Và trên Báo cáo lưu chuyển tiền tệ riêng của từng công ty sẽ thể hiện dòng tiền này. Chính vì vậy, khi lập Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất chúng ta sẽ cần căn cứ vào Bảng tổng hợp mua, bán TSCĐ trong nội bộ tập đoàn để xác định dòng tiền này và thực hiện loại trừ.

Ngoài nguyên tắc này, khi thực hiện các bước lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất chúng ta sẽ cần lưu ý đến 4 khía cạnh quan trọng sau:

  • Điều chỉnh ảnh hưởng của các khoản mục phi tiền tệ (Non-cash transactions)
  • Điều chỉnh ảnh hưởng của giao dịch chi trả cổ tức cho NCI
  • Điều chỉnh ảnh hưởng của giao dịch mua, thanh lý công ty con
  • Điều chỉnh ảnh hưởng của giao dịch mua, thanh lý công ty liên doanh, liên kết

2. Điều chỉnh ảnh hưởng của các khoản mục phi tiền tệ (Non-cash transactions)

Khía cạnh này ảnh hưởng đến Báo cáo lưu chuyển tiền tệ được lập theo phương pháp gián tiếp.

Ở Phần 2 bên trên chúng ta biết rằng để lập Báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo phương pháp gián tiếp thì khi xác định dòng tiền từ hoạt động kinh doanh, chúng ta sẽ phải bắt đầu với chỉ tiêu Lợi nhuận kế toán trước thuế. Sau đó thực hiện điều chỉnh cho 3 nhóm chỉ tiêu. Thì khía cạnh đầu tiên mà chúng ta đi xem xét ở đây chính là khi thực hiện điều chỉnh ảnh hưởng của các khoản mục phi tiền tệ (“Non-cash transactions”) để lập Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất.

Ví dụ khi xác định các khoản mục phi tiền tệ cần điều chỉnh:

  • Chi phí khấu hao (“Depreciation”): Khi lập chỉ tiêu này phải loại trừ ảnh hưởng của các giao dịch góp vốn, mua, bán TSCĐ, chuyển hàng tồn kho thành TSCĐ trong nội bộ tập đoàn… đến số khấu hao TSCĐ đã trích trong kỳ. Nghĩa là chúng ta sẽ sử dụng chi phí khấu hao còn lại sau khi thực hiện các bút toán điều chỉnh hợp nhất để lập BS/PL hợp nhất. Còn trong đề thi, thông thường sẽ cho sẵn Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất nên chúng ta có thể lấy luôn số liệu về Chi phí khấu hao ở đây.
  • Impairment loss: Từ góc độ hợp nhất báo cáo tài chính, các khoản suy giảm giá trị của Lợi thế thương mại hay giá trị các khoản đầu tư vào công ty liên doanh liên kết cũng sẽ được coi là khoản mục phi tiền tệ. Và do đó cần cộng lại vào Lợi nhuận kế toán trước thuế.
  • Sở hữu của tập đoàn trong lãi lỗ của công ty liên doanh liên kết (“The group share of the associate’s/joint venture’s profit or loss”): Khi lập BCKQHĐKD hợp nhất, chúng ta phải xác định & ghi nhận khoản mục này. Tuy nhiên, khi lập Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất thì chúng ta lại phải điều chỉnh khoản mục này vì đây cũng là khoản mục phi tiền tệ. Cụ thể là phải cộng lại vào lợi nhuận kế toán trước thuế – Hạng mục Các khoản điều chỉnh trong Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh.

Tương tự với các khoản mục như Dự phòng trích lập/Các khoản trích trước hay Lãi lỗ từ chênh lệch tỷ giá nhé.

Hãy cùng đi xem tình huống sau:

[Tình huống 2 – Đề thi SBR Kỳ T12.2018]

Tập đoàn Moyes có thông tin BCTC hợp nhất 30.9.X8 như sau:

Revenue: $612m
Cost of sales: $347m
Gross profit: $265m
Operating expenses: $123m
Share of profit of associate: $67m
Profit before tax: $209m

Inventories: $126m (30.9.X8) – $165m (30.9.X7)
Trade receivables: $156m (30.9.X8) – $149m (30.9.X7)
Trade payables: $215m (30.9.X8) – $197m (30.9.X7)

Các thông tin khác liên quan đến năm tài chính 30.9.X8 như sau:

(1) Employee benefits: Moyes có 1 chương trình phúc lợi cho nhân viên (“Defined benefit scheme”). 1 khoản chi phí dịch vụ (“service cost component”) trị giá $24m đã được ghi nhận vào chi phí hoạt động. Lãi do đánh giá lại (“Re-measurement component”) đã ghi nhận trong năm là $3 m. Lợi ích quỹ đã chi trả (“Benefits paid out of the scheme”) là $31m. Khoản đóng góp của Moyes vào quỹ là (“Contributions into the scheme”) $15 m.

(2) Goodwill được xem xét suy giảm giá trị vào ngày báo cáo. Khoản suy giảm giá trị phát sinh năm hiện tại là $10m.

(3) PPE tại 30.9.20X8 bao gồm khoản phát sinh tăng bằng tiền mặt trị giá $134m. Chi phí khấu hao phát sinh trong năm là $99m và 1 khoản suy giảm giá trị $43m đã được ghi nhận. Trước khi suy giảm giá trị, tập đoàn đã có số dư khoản mục Revaluation surplus là $50m, trong đó $20m liên quan đến PPE bị suy giảm trong năm hiện tại.

(4) Inventory: Hàng hoá mua với giá trị Dinar 80m bằng tiền khi tỷ giá là $1:Dinar 5. Moyes đã không bán số hàng này tại cuối năm và NRV ước tính là Dinar 60m. Tỷ giá tại ngày cuối năm là $1:Dinar 6. Hàng tồn kho đã được định giá chính xác tại 30.9.X8 với chênh lệch tỷ giá & suy giảm giá trị ghi nhận vào COS.

Yêu cầu. Giải thích các khoản điều chỉnh cần thực hiện khi tính dòng tiền từ hoạt động kinh doanh theo phương pháp gián tiếp

Đáp án

Để xác định được các khoản mục cần điều chỉnh, chúng ta hãy đi phân tích từng thông đề bài đưa ra:

(1) Pension scheme

Hãy hơ lại IAS 19 Employee Benefits 1 chút. Phải nói rằng đây là 1 hạng mục rất hay khi mang ra để phân tích về dòng tiền. Trong tình huống của chúng ta:

  • Chi phí dịch vụ (“Service cost component”) trị giá $24m đã ghi nhận vào chi phí hoạt động: Đây là chi phí phát sinh do nghĩa vụ phải trả tăng lên (“Increase in the defined benefit obligation”) do tiếp tục sử dụng các nhân viên thêm 1 năm. Đây là chi phí hoạt động kinh doanh của công ty, nhưng không phải dòng tiền thực sự đã phát sinh. Do đó, phải cộng lại vào Lợi nhuận kế toán trước thuế.
  • Lãi do đánh giá lại (“remeasurement component”) trị giá $3m: Đây là khoản mục phát sinh khi có sự thay đổi trong các giả định để xác định nghĩa vụ nợ ban đầu cần ghi nhận của công ty. Khoản mục này sẽ được ghi nhận vào OCI. Đây không phải là dòng tiền, cũng không ảnh hưởng đến chi phí của công ty. Do đó, chúng ta không cần quan tâm đến khoản mục này.
  • Khoản đóng góp của công ty vào quỹ (“Contribution”) trị giá $15m: Khi công ty nộp tiền vào quỹ thì sẽ làm giảm tiền và tăng giá trị Plan Assets. Tuy nhiên, khoản mục này không được phản ánh khi tính Lãi lỗi trong kỳ. Đây là 1 khoản thanh toán cho hoạt động kinh doanh mà cuối cùng nhân viên của Moyes sẽ được hưởng nên sẽ là dòng tiền từ hoạt động kinh doanh. Do vậy, khi xác định dòng tiền chúng ta cần điều chỉnh giảm vào Lợi nhuận kế toán trước thuế.
  • Khoản lợi ích đã chi trả (“Benefits paid”) trị giá $31m: Đây là là dòng tiền ra, nhưng được chi từ quỹ chứ không phải Moyes. Bút toán hạch toán liên quan là: DR Defined Benefit Obligation / CR Plan assets. Do đó không ảnh hưởng gì đến dòng tiền của công ty cả.

(2) Impairment Loss – Goodwill

Như bên trên đã nói, các khoản suy giảm giá trị của Lợi thế thương mại không phải là dòng tiền thực sự phát sinh. Do vậy sẽ cần cộng lại vào Lợi nhuận kế toán trước thuế khi xác định dòng tiền.

(3) PPE

  • Khoản phát sinh tăng bằng tiền mặt trị giá $134m: Đây là dòng tiền ra, nhưng sẽ được bao gồm vào Dòng tiền từ hoạt động đầu tư.
  • Chi phí khấu hao phát sinh trong năm là $99m: Đây là khoản mục phi tiền tệ, do vậy cần cộng lại vào Lợi nhuận kế toán trước thuế.
  • Khoản suy giảm giá trị $43m đã được ghi nhận trong kỳ: Trước khi suy giảm giá trị, tập đoàn đã có số dư khoản mục Revaluation surplus là $50m, trong đó $20m liên quan đến PPE bị suy giảm trong năm hiện tại. Hãy nhớ lại nguyên tắc xử lý Impairment Loss. $20m suy gỉam giá trị năm nay sẽ phải ghi giảm vào khoản mục Revaluation surplus. Do đó, chỉ có $23m đã được ghi nhận vào PL trong kỳ, và do đó cần phải điều chỉnh do là khoản mục phi tiền tệ.

(4) Inventory

Đây là ví dụ đã được mình đề cập đến trong bài viết về IAS 21 Ảnh hưởng của chênh lệch tỷ giá. Có bạn nào còn nhớ không ah?

Tại ngày phát sinh giao dịch 1.5.X8: Giao dịch ngoại tệ được chuyển đổi sang đồng tiền chức năng của công ty bằng cách áp dụng tỷ giá giao dịch tại chỗ vào ngày giao dịch là: $1 : Dinar 5

DR Inventory / CR Cash: Dinar 80m/5 = $16m

HTK được đo lường theo giá trị thấp hơn giữa NRV & Nguyên giá. Tổng suy giảm giá trị của khoản mục HTK: $6m (Dinar 80 million/5 – Dinar 60 million/6).

Trong đó:

  • Dinar 80m/5 – Dinar 80m/6 = $2.7m là lỗ chênh lệch tỷ giá
  • (Dinar 80m – Dinar 60m)/6 = $3.3m là suy giảm giá trị HTK

Cả 2 khoản mục này đều là khoản mục phi tiền tệ và cần được điều chỉnh vào Lợi nhuận kế toán trước thuế.

(5) Biến động của các khoản mục làm biến động dòng tiền trong kỳ

  • Biến động của HTK: ($126m + $6m) – $165m = – $33m. Biến động giảm sẽ có ý nghĩa là công ty không bị tồn đọng tiền trong HTK. Do vậy số dư tiền phải tăng (+). Sở dĩ ở đây chúng ta phải cộng thêm $6m vào số dư cuối kỳ của HTk vì từ (4) bên trên ta thấy $126m là số dư sau khi đã điều chỉnh khoản suy giảm giá trị $6m. Trong khi chúng ta lại đang tính biến động của dòng tiền phản ánh trong biến động của Hàng tồn kho.
  • Biến động của AR: $156m – $149m = $7m. Biến động tăng sẽ có nghĩa là công ty đang bị khách hàng chiếm dụng vốn, thu được ít tiền hơn. Do vậy số dư tiền phải giảm (-)
  • Biến động của AP: $215m – $197m = $18m. biến động tăng sẽ có nghĩa công ty đang chiếm dụng được vốn của nhà cung cấp, phải trả ít tiền hơn. Do vậy, số dư tiền phải tăng (+)

Tập hợp tất cả các phân tích bên trên, chúng ta sẽ xác định được các khoản cần điều chỉnh vào Lợi nhuận trước thuế như sau:

ItemsAmount
Profit before tax209
Share of profit of associate(67)
Service cost component24
Contributions into the pension scheme(15)
Impairment of goodwill10
Depreciation99
Impairment of property, plant and equipment ($43m – $20m)23
Loss on inventory6
Movement on inventory33
Increase in receivables(7)
Increase in current liabilities18
Cash generated from operations333

3. Khoản mục cổ tức đã chi trả

Tại Bước 3 khi lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo Phương pháp gián tiếp, chúng ta sẽ phải xác định các khoản chi trực tiếp được phân loại vào Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh. Trong đó bao gồm khoản chi trả cổ tức trong kỳ đúng không ạ?

Trên BCTC riêng thì rất đơn giản. Khoản mục này thể hiện số cổ tức công ty đã thực hiện chi trả cho cổ đông trong kỳ. Có thể được xác định theo công thức:

Dividends paid = RE at the beginning of period (BS) + Profit of the year (PL) – Adjustments (Notes) – RE at end of period (BS)

Tuy nhiên, với BCTC hợp nhất thì sẽ phức tạp hơn. Khoản mục này sẽ cần bao gồm:

  • Cổ tức công ty mẹ chi trả cho cổ đông của mình
  • Cổ tức công ty con chi trả cho cổ đông không kiểm soát NCI

Vậy sẽ có bạn thắc mắc cổ tức công ty con chi trả cho công ty mẹ thì sao?

Câu trả lời rất đơn giản.

Hãy nhớ lại 1 chút nguyên tắc hợp nhất Báo cáo tài chính chúng ta đã học đối với nghiệp vụ chi trả cổ tức nhé. Khi đó, trên Báo cáo tài chính riêng các công ty sẽ hạch toán như sau:

  • Công ty con: DR Undistributed profit / CR Cash: (A +B) [Tổng số tiền chi trả cho các cổ đông: A trả cho mẹ và B trả cho NCI]
  • Công ty mẹ: DR Cash / CR Financial income: A

Như vậy, khi lập BS & PL hợp nhất, sẽ cần thực hiện bút toán loại trừ giao dịch nội bộ này. Vì từ góc độ tập đoàn thì không ai tự chi trả cổ tức cho chính mình cả.

  • Bút toán điều chỉnh hợp nhất sẽ là: DR Financial Income/ CR Undistributed profit: A
  • Tài khoản tiền thì không bị ảnh hưởng do số tiền [A] đã tự động bù trừ khi cộng gộp BCTC .

Mà Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất được lập dựa trên cơ sở BS và PL hợp nhất. Do vậy, khi đã có BS & PL hợp nhất thì chúng ta không cần thực hiện bút toán điều chỉnh này nữa.

Vậy, còn số tiền B mà công ty con đã chi ra cho NCI thì sao?

Về cơ bản, đây không phải là số tiền giao dịch nội bộ, mà là giữa tập đoàn và bên ngoài. Chính vì vậy, số tiền cổ tức công ty con đã thanh toán cho NCI sẽ phải được bao gồm trên Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất.

Đừng quên rằng, khoản mục Cổ tức chi trả cho cổ đông có thể được xếp vào mục “Operating activities” hoặc là “Financing activities” nhé.

4. Điều chỉnh ảnh hưởng của giao dịch mua, thanh lý công ty con

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ là gì

Nhìn vào ảnh trên ta thấy sẽ có 2 loại dòng tiền liên quan từ việc đạt được hoặc mất quyền kiểm soát các công ty con:

  • Số tiền công ty đã trả để mua công ty con / Số tiền đã nhận được do thanh lý công ty con
  • Số dư khoản mục tiền/thấu chi được hợp nhất do đạt quyền kiểm soát/được ghi giảm do mất quyền kiểm soát vào kỳ đầu tiên

2 dòng tiền này sẽ bù trừ với nhau (Dòng tiền thuần): “Cash to acquire subsidiary” hoặc “Proceeds of sale of subsidiary”. Dòng tiền thuần này được trình bày riêng biệt & phân loại là “Hoạt động đầu tư”.

Lưu ý:

  • Ảnh hưởng của dòng tiền do mất quyền kiểm soát sẽ không được bù trừ với dòng tiền do đạt được quyền kiểm soát.
  • Dòng tiền phát sinh từ việc thay đổi tỷ lệ sở hữu ở công ty con mà không làm mất quyền kiểm soát sẽ được phân loại là dòng tiền từ “Hoạt động tài chính“. Trừ khi khoản đầu tư vào công ty con này thoả mãn điều kiện và phải được hạch toán là “Fair value through profit or loss”.
  • Đối với trường hợp thanh lý khoản đầu tư tại công ty con, khi lập theo Phương pháp gián tiếp chúng ta sẽ cần điều chỉnh khoản mục Lãi lỗ từ thanh lý công ty con (“Profit on disposal of shares in subsidiary”) khỏi Lợi nhuận kế toán trước thuế. Lý do thì ở Phần 2 mình đã giải thích. Đây là khoản mục có dòng tiền liên quan đến Hoạt động đầu tư nên sẽ được loại ra khi tính dòng tiền từ Hoạt động kinh doanh.

Hãy cùng xem tình huống sau.

[Tình huống 3 – Thay đổi cấu trúc tập đoàn]

Tập đoàn C Co có BCTC hợp nhất như sau:

Revenue: $612m
Cost of sales: $347m
Gross profit: $265m
Operating expenses: $123m
Profit on disposal of shares in subsidiary: $20m
Profit before tax: $162m

Cash & Cash equivalents: $294m (30.9.X8) – $238m (30.9.X7)
Inventories: $126m (30.9.X8) – $165m (30.9.X7)
Trade receivables: $156m (30.9.X8) – $149m (30.9.X7)
Trade payables: $215m (30.9.X8) – $197m (30.9.X7)

Trong năm C Co đã bán toàn bộ vốn đầu tư của mình tại B Co, là 1 công ty con mà C Co đã mua cách đây nhiều năm với giá $100m. Biêt rằng tại ngày thanh lý, các khoản mục trên BS của B Co có số dư như sau:
Cash & Cash equivalents: $20m
Inventories: $46m
Trade receivables: $42m
Trade payables: $38m

Yêu cầu. Xác định chỉ tiêu Dòng tiền liên quan đến việc thanh ý cần trình bày trên Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất?

[Áp dụng vào tình huống]

Khi công ty mẹ mua hoặc bán công ty con trong năm tài chính, dòng tiền thuần từ mua hoặc thanh lý sẽ được trình bày riêng biệt là Dòng tiền từ hoạt động đầu tư.

(1) Cash flows from Investing activities

Disposal of subsidiary net of cash disposed of: $100m – $20m = $80m

(2) Cash flows from operating activities

ItemsAmount
Profit before tax162
Adjustment for:
Profit on disposal of shares in subsidiary(20)
Movement on inventory (*)(7)
Increase in receivables(49)
Increase in current liabilities56
Cash generated from operations142

(*) Xác định điều chỉnh biến động của các khoản mục làm ảnh hưởng đến dòng tiền của tập đoàn

InventoriesTrade receivablesPayables
Opening Balance$165m$149m$197m
Disposal of subsidiary($46m)($42m)($38m)
Increase/Decrease$7m$49m$56m
Closing Balance$126m$156m$215m
  • HTK: Biến động tăng $7m sẽ có ý nghĩa là công ty bị tồn đọng tiền trong HTK. Do vậy số dư tiền phải giảm (-)
  • AR: Biến động tăng $49m sẽ có nghĩa là công ty đang bị khách hàng chiếm dụng vốn, thu được ít tiền hơn. Do vậy số dư tiền phải giảm (-)
  • AP: Biến động tăng $56m sẽ có nghĩa công ty đang chiếm dụng được vốn của nhà cung cấp, phải trả ít tiền hơn. Do vậy, số dư tiền phải tăng (+)

5. Dòng tiền liên quan đến công ty liên doanh liên kết

Khi công ty mua hoặc thanh lý khoản đầu tư vào công ty liên doanh liên kết: Số tiền nhận được hoặc phải thanh toán khi thanh lý hoặc mua khoản đầu tư vào công ty liên kết sẽ được ghi nhận vào “Dòng tiền từ hoạt động đầu tư”.

Chỉ tiêu “Dividends received from associate & other investments”: Cổ tức nhận được từ công ty liên kết, liên doanh sẽ được phản ánh là dòng tiền vào từ Hoạt động đầu tư.

Và trong đề thi, chỉ tiêu này có thể được xác định dựa vào biến động của khoản mục “Đầu tư vào công ty liên doanh liên kết” như sau:

ItemsAmount
Opening balance$88m
Group share of associate’s profit for the year$7m
Group share of associate’s OCI$3m
Acquisition of associate$12m
Dividends received from associates $16m
Closing balance$94m

Như vậy là chúng ta đã lần lượt đi tìm hiểu các nội dung quan trọng về Báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Hy vọng bài viết đã giúp các bạn hiểu rõ Báo cáo lưu chuyển tiền tệ là gì cũng như cách lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo 2 phương pháp gián tiếp và trực tiếp. Trong bài viết tiếp theo mình sẽ đi giải thích về nội dung được rất nhiều bạn quan tâm đó là IAS 36 Impairment. Các bạn theo dõi ủng hộ mình nha!

Published inF7 Financial ReportingIFRSSBR Strategic Business Reporting

2 Comments

  1. Hiếu Bùi Hiếu Bùi

    Mình cảm ơn ad vì có những bài viết hữu ich.

  2. Nguyên Nguyên

    Dạ chào ad ạ, em thấy 2 đề bài tình huống đang bị ẩn, ad cho thể fix lại chỗ đó dc ko ạ?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *