Bài 6 của Series hướng dẫn tự học ACCA F7 Financial Reporting: Chủ đề “Published financial statements” – Phần 1
(Video 1 – Video 4)
Trong bài Tổng quan về BCTC hợp nhất đã đề cập: các công ty phải lập 1 bộ đầy đủ “Published financial statements” ít nhất 1 lần/năm bao gồm:
- Bảng cân đối kế toán (“A statement of financial position”);
- Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh (“A statement of profit and loss and other comprehensive income”)
- Báo cáo Lưu chuyển tiền tệ (“A statement of cash flows”);
- Báo cáo thay đổi vốn chủ sở hữu (“A statement of changes in equity”);
- Thuyết minh BCTC (“Notes”)
BCTC chính là sản phẩm cuối cùng của công việc kế toán. Chính vì vậy nên việc lập BCTC là rất quan trọng trong thực tế cũng như trong chương trình học của F7. Bạn nào đã xem đề thi F7 các năm sẽ thấy dạng bài lập BCTC chính là 1 trong 3 dạng bài tập phổ biến ở Section C.
Tình huống thường đưa ra “Trial Balance” hoặc “Draft Financial Statements” cùng thông tin về các giao dịch cần điều chỉnh. Sau đó yêu cầu chúng ta xác định ảnh hưởng của từng giao dịch này và lập “Final financial statements”.
Như vậy để xử lý được dạng bài này, chúng ta cần nắm được cách lập từng báo cáo trong bộ “Published financial statements” này. Đồng thời nắm được cách xử lý các giao dịch tình huống đưa ra. Các giao dịch này thuộc rải rác ở 1 số chủ đề nhỏ. VD: non-current assets, financial instruments, deferred tax…
Chính vì vậy dạng bài này yêu cầu chúng ta phải có kiến thức tương đối tổng hợp. Tuy nhiên các bạn cũng không cần quá lo lắng. Vì cũng chỉ có 1 số tình huống thường gặp nhất định. Chúng ta hoàn toàn có thể làm chủ.
Trong chủ đề này, chúng ta giải quyết các vấn đề sau:
- Yêu cầu chung với việc lập & trình bày BCTC
- Cách lập từng loại báo cáo
- Các giao dịch thường gặp trong đề thi
1. Yêu cầu chung với việc lập & trình bày BCTC
1.1 Các “thông tin chung bắt buộc” trên BCTC
Ở phần BCTC hợp nhất, các bạn đã làm quen với mẫu của các loại báo cáo rồi. Tuy nhiên chúng ta phải hiểu rằng không phải ngẫu nhiên mà các báo cáo lại được trình bày như vậy. Tất cả đều có lý do. Đó chính là các mẫu báo cáo này đều được lập theo quy định của IAS 1 và IAS 7.
Theo quy định tại IAS 1, BCTC không chỉ có các tài khoản mà còn có các thông tin khác mà chúng ta cần trình bày ở vị trí nổi bật, dễ thấy:
- Tên của đơn vị báo cáo
- Đơn vị báo cáo là 1 công ty hay 1 tập đoàn
- Ngày kết thúc kỳ kế toán/Kỳ kế toán
- Đồng tiền báo cáo
- Mức độ làm tròn số
- Lý do không sử dụng năm tài chính là 1 năm trường hợp công ty lập BCTC cho giai đoạn ít hơn hoặc nhiều hơn 1 năm. Đồng thời chỉ rõ số liệu so sánh trình bày trên BCTC không thực sự so sánh được với nhau do năm tài chính không phải 1 năm.
1.2. Mẫu Bảng cân đối kế toán sử dụng (“A statement of financial position”)
BCĐKT sẽ trình bày tình hình tài chính của 1 chủ thể tại 1 ngày nhất định (cuối kỳ kế toán). Như vậy, BCĐKT sẽ trình bày số dư của các tài khoản có số dư tại ngày cuối kỳ bao gồm 3 yếu tố Tài sản, Công nợ & VCSH.
Các bạn lưu ý rằng IAS 1 không quy định định dạng cố định cho BCĐKT. Khoản mục tài sản có thể được trình bày từ TS ngắn hạn đến TS dài hạn hoặc ngược lại. Và các khoản nợ phải trả & VCSH có thể được biểu diễn theo nợ ngắn hạn, nợ dài hạn, đến VCSH. Hoặc ngược lại.
Các bạn xem Mẫu Bảng cân đối kế toán. Đây là mẫu báo cáo thường được dùng trong sách F7. Từ mẫu này bạn có thể thấy:
- Có sự tách biệt giữa tài sản ngắn hạn & tài sản dài hạn, nợ ngắn hạn & nợ dài hạn
- Mọi khoản mục tài sản/nợ phải trả nếu bao gồm cả phần phải nhận/phải trả trong vòng 12 tháng và sau 12 tháng thì sẽ phải tách thành 2 phần tương ứng để trình bày riêng.
1.3. Mẫu báo cáo kết quả HĐKD (“A statement of profit or loss and other comprehensive income”)
(1) BCKQHĐKD sẽ phản ánh kết quả các khoản thu nhập, chi phí phát sinh trong suốt 1 kỳ kế toán. Các bạn xem Mẫu Báo cáo Kết quả Hoạt động kinh doanh. Nhìn mẫu báo cáo, chúng ta thấy BCKQHĐKD gồm các phần sau:
- “Profit or Loss” được hiểu là tổng thu nhập – tổng chi phí không bao gồm các yếu tố của “other comprehensive income”
- “Other comprehensive income” được hiểu là các khoản mục thu nhập & chi phí không được ghi nhận là Lãi/Lỗ theo quy định.
- “Total comprehensive income” được hiểu là sự thay đổi trong VCSH trong kỳ phát sinh do các giao dịch & sự kiện hơn là sự thay đổi từ các giao dịch giữa các chủ sở hữu.
- Phân bổ cho phần thuộc về chủ sở hữu và phần thuộc về NCI trong trường hợp báo cáo hợp nhất.
(2) Công ty có thể lựa chọn để lập báo cáo kết quả HĐKD theo 2 cách.
- 1 báo cáo đơn lẻ với Profit/Loss & Other comprehensive income được trình bày ở 2 phần riêng biệt. Đây là cách được sử dụng trong F7.
- 2 báo cáo bao gồm: 1 báo cáo Profit/Loss riêng biệt & 1 báo cáo “comprehensive income”
(3) Các khoản mục chi phí cần được thể hiện ở “Profit or loss” hoặc phần Thuyết minh theo chức năng hoặc bản chất. Trong F7, chúng ta sẽ lập báo cáo với khoản mục chi phí thể hiện ở “Profit or loss” và phân chia theo chức năng. Vì phương pháp này thường cung cấp nhiều thông tin liên quan cho người dùng.
(4) Phần “Other comprehensive income” phải trình bày các chỉ tiêu được phân loại theo bản chất của chúng.
1.4. Báo cáo Lưu chuyển tiền tệ (“A statement of cash flow”)
(1) Báo cáo LCTT là gì?
Trước khi nói về báo cáo này chúng ta phải làm rõ 1 vấn đề:
- Công ty có thể bán hàng ghi nhận doanh thu trong kỳ khi chưa thực thu tiền
- Công ty có thể mua hàng ghi nhận chi phí trong kỳ khi chưa thực chi tiền
Do vậy, ghi nhận doanh thu/chi phí không đồng nghĩa với dòng tiền vào/dòng tiền ra thực sẽ phát sinh ở doanh nghiệp. Trong khi chúng ta biết tầm quan trọng của “tiền”. Dù lợi nhuận cao bao nhiêu mà không thực có dòng tiền thì cũng rất nguy hiểm.
Chính vì vậy, ngoài BCKQHĐKD công ty còn phải lập thêm Báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Báo cáo này phân tích sự thay đổi trong khoản mục tiền & tương đương tiền trong kỳ.
Trong đó:
- Tiền: bao gồm tiền mặt & tiền gửi có thể sử dụng theo nhu cầu
- Tương đương tiền: bao gồm các khoản tiền gửi ngắn hạn & có độ thanh khoản cao – có khả năng chuyển đổi sang 1 lượng tiền tương ứng mà không phải chịu rủi ro do thay đổi trong giá trị
(2) Có 2 phương pháp lập Báo cáo lưu chuyển tiền tệ:
- Phương pháp trực tiếp: Trực tiếp xác định các dòng tiền phát sinh cho từng hoạt động của công ty. Sau đó tính ra dòng tiền thuần phát sinh trong kỳ.
- Phương pháp gián tiếp: Điều chỉnh chỉ tiêu “Net profit/Loss” để loại trừ ảnh hưởng của các giao dịch “non-cash”. Từ đó xác định dòng tiền thuần phát sinh trong kỳ
Phương pháp trực tiếp được khuyến khích hơn vì nó có thể sử dụng để ước tính dòng tiền trong tương lai. Nhưng trong thực tế thì phương pháp gián tiếp lại được sử dụng rộng rãi hơn vì đơn giản.
Các bạn xem mẫu sau:
Báo cáo LCTT theo phương pháp gián tiếp
Báo cáo LCTT theo phương pháp trực tiếp
(3) Phân chia dòng tiền trên Báo cáo Lưu chuyển tiền tệ
Nhìn vào 2 mẫu báo cáo chúng ta có thể thấy rằng:
Dù lập theo phương pháp nào thì Báo cáo LCTT cũng dựa trên nguyên tắc đầu tiên là:
Số dư tiền cuối kỳ = Số dư tiền đầu kỳ + Dòng tiền thuần phát sinh trong kỳ.
Trong đó: Dòng tiền thuần phát sinh trong kỳ được xác định từ 3 nhóm hoạt động:
- “Operating activities”: là các hoạt động chính tạo ra doanh thu của doanh nghiệp & các hoạt động khác mà không phải là hoạt động đầu tư (Investing activities) & hoạt động tài chính (Financing activities). Ví dụ về dòng tiền phát sinh từ “Operating activities” là: tiền thu từ bán HHDV, tiền chi thanh toán mua HHDV, tiền chi thanh toán lương.
- “Investing activities”: là các hoạt động như mua hoặc bán các tài sản dài hạn & các khoản đầu tư không bao gồm trong “Cash equivalent”. Ví dụ về dòng tiền phát sinh từ “Investing activities” là: tiền chi mua sắm tài sản dài hạn, tiền thu được từ thanh lý tài sản, tiền thanh toán/tiền thu được do mua/bán cổ phiếu của công ty khác/
- “Financing activities”: là các hoạt động làm phát sinh sự thay đổi trong cấu tạo & quy mô của VCSH và các khoản công nợ. Ví dụ về dòng tiền phát sinh từ “Investing activities” là: tiền thu được từ phát hành cổ phiếu/phát hành trái phiếu/đi vay; tiền gốc thanh toán cho hợp đồng thuê (tiền lãi trả sẽ là “Operating activities”)
Lưu ý:
- Cổ tức công ty chi trả cho cổ đông có thể được xếp vào mục “Operating activities” hoặc là “Financing activities”. Bởi vì xét từ khía cạnh cổ tức là chi phí vay vốn mà công ty phải trả cho nhà đầu tư thì đây là “Financing activities”. Còn xét từ khía cạnh nhà đầu tư là chủ sở hữu của công ty thì cổ tức có thể được xếp vào “Operating activities”.
- Với các khoản vay của công ty: tiền gốc được xếp vào “Financing activities” vì dòng tiền này làm thay đổi cấu trúc Equity/Debt của công ty. Còn tiền lãi vay đã trả được xếp vào “Operating activities” vì dòng tiền này là 1 loại chi phí thông thường để duy trì hoạt động của doanh nghiệp.
1.5. Báo cáo thay đổi VCSH (“A statement of changes in equity”)
Báo cáo này phản ánh sự thay đổi của các khoản mục chi tiết trong VCSH trong kỳ kế toán. Các bạn xem Mẫu Báo cáo thay đổi trong VCSH.
Nhìn mẫu này ta thấy Báo cáo thay đổi VCSH phải trình bày các khoản mục chi tiết trong VCSH cho các nội dung:
(1) Số dư đầu kỳ
(2) Số phát sinh thay đổi trong kỳ theo từng loại nguyên nhân thay đổi:
- Lãi lỗ trong kỳ
- “Other comprehensive income” chia tách cho từng khoản mục
- Vốn cổ phần phát hành trong kỳ
- Giá trị cổ tức đã chi trả cho chủ sở hữu
(3) Số dư cuối kỳ
1.6. Thuyết minh BCTC (“Notes”)
Trong đề thi chúng ta thường không được yêu cầu lập Thuyết minh BCTC. Tuy nhiên chúng ta vẫn cần nắm được nội dung chính để xử lý các câu hỏi trắc nghiệm.
Thuyết minh BCTC có mục đích mở rộng các thông tin trình bày trên BCTC:
- Phân tích chi tiết hoặc chia nhỏ các số liệu trên BCTC
- Thông tin thuyết minh giải thích cho các số liệu trên BCTC
- Thông tin bổ sung
IAS 1 đưa ra gợi ý về thứ tự trình bày các nội dung trên thuyết minh BCTC như sau:
- Báo cáo về việc tuân thủ IFRS
- Báo cáo về cơ sở đo lường & các chính sách kế toán áp dụng
- Thông tin hỗ trợ cho các khoản mục được trình bày trên BCTC theo đúng thứ tự tương ứng của các chỉ tiêu này
- Tiết lộ các thông tin khác về các khoản công nợ hay cam kết tiềm tàng; giá trị cổ tức được thông báo chi trả trước khi BCTC được phát hành nhưng chưa trả cho chủ sở hữu; giá trị của cổ tức ưu đãi luỹ kế chưa được ghi nhận…
Có 1 số thông tin luôn được yêu cầu phải trình bày ở phần Thuyết minh nếu chưa trình bày ở phần khác như: Địa chỉ đăng ký, mô tả bản chất hoạt động của công ty, tên công ty mẹ & tên tập đoàn…
Trong phạm vi môn F7, chúng ta sẽ cần biết cách lập cả 4 loại BCTC: BCĐKT, BCKQHĐKD, BCLCTT & BC thay đổi trong VCSH. Sau đây chúng ta sẽ cùng đi xem cách lập từng loại báo cáo này cũng như các tình huống thường gặp trong đề thi.
2. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ – Cách lập & tình huống thường gặp
2.1. Tình huống thường gặp trong kỳ thi
Đề bài thường cung cấp:
(1) BS & PL
(2) Các tình huống để xác định dòng tiền của doanh nghiệp, thường liên quan đến:
- Chi phí khấu hao (PPE/Lease/Development projects) đã được ghi nhận trong kỳ
- Thanh lý tài sản
- Chi phí tài chính (debenture interest/lease finance charge)
- Bonus issue of shares/Rights issue/Dividends
- Lãi lỗ từ đánh giá lại tài sản
- Thuế đã nộp
Sau đó yêu cầu chúng ta lập Báo cáo LCTT đầy đủ theo “Direct method”/ “Indirect method” hoặc chỉ 1 phần của báo cáo.
Để giải quyết được bài tập này, chúng ta cần:
- Hiểu “Format” & cách điền các chỉ tiêu trên Báo cáo LCTT theo 2 phương pháp
- Xác định và phân loại các dòng tiền từ thông tin đề bài đưa ra
2.2. Cách lập báo cáo
(1) Lập BCLCTT theo “Indirect method”
Bước 1. Xác định chỉ tiêu “Profit/Loss before taxation”. Chỉ tiêu này thường được cung cấp sẵn thông tin trên PL.
Bước 2. Xác định 3 nhóm chỉ tiêu cần điều chỉnh:
Nhóm 1: Giá trị các khoản mục phi tiền tệ phát sinh trong kỳ. Đề bài thường cho sẵn thông tin trong phần Notes hoặc PL. Nếu là khoản mục chi phí thì chúng ta (+) còn nếu là khoản mục lợi nhuận thì chúng ta (-).
- Chi phí khấu hao
- Các khoản dự phòng
- Lãi/lỗ chênh lệch tỷ giá
- Lãi/lỗ do thanh lý TSCĐ
- Chi phí lãi vay đã trích trong kỳ (“Interest expense”)
Nhóm 2: Chênh lệch số dư đầu kỳ – cuối kỳ của các khoản mục làm biến động dòng tiền trong kỳ: Hàng tồn kho; Các khoản phải thu; Các khoản phải trả. Với nhóm này, chúng ta chỉ cần lấy số dư cuối kỳ – số dư đầu kỳ là xong
- Hàng tồn kho: Nếu là biến động tăng sẽ có ý nghĩa là công ty bị tồn đọng tiền trong HTK. Do vậy số dư tiền phải giảm (-). Và ngược lại.
- Các khoản phải thu: Nếu là biến động tăng sẽ có nghĩa là công ty đang bị khách hàng chiếm dụng vốn, thu được ít tiền hơn. Do vậy số dư tiền phải giảm (-). Và ngược lại.
- Các khoản phải trả: Nếu là biến động tăng sẽ có nghĩa công ty đang chiếm dụng được vốn của nhà cung cấp, phải trả ít tiền hơn. Do vậy, số dư tiền phải tăng (+). Và ngược lại.
Nhóm 3: Giá trị các khoản doanh thu/chi phí thuộc “Investing activities” hoặc “Financing activities”. VD: Interest income. Nếu là khoản mục chi phí thì chúng ta (+) còn nếu là khoản mục lợi nhuận thì chúng ta (-).
Sau khi lấy “Profit/Loss before taxation” điều chỉnh cho 3 nhóm chỉ tiêu này, chúng ta sẽ tính ra được “Cash generated from operation”.
Bước 3. Xác định các khoản chi trực tiếp được phân loại vào “Operating activities”:
- Interest paid = Interest payables at the beginning of period (BS) + Interest expense (PL) – Interest payables at end of period (BS)
- Income taxes paid = (Current tax liability + Deferred tax liability) at the beginning of period (BS) + Tax expense (PL) – (Current tax liability + Deferred tax liability) at end of period (BS)
- Dividends paid = RE at the beginning of period (BS) + Profit of the year (PL) – Adjustments (Notes) – RE at end of period (BS)
Bước 4. Tính ra chỉ tiêu “Net cash from operating activities” bằng cách tổng hợp kết quả từ Bước 1 đến Bước 3
Bước 5. Xác định các chỉ tiêu thuộc “Investing activities”
- Chỉ tiêu “PPE purchased” = Opening Balance (BS) + Revaluation Surplus (BS) – Disposed Carrying amount (Notes) – Closing balance (BS)
- Chỉ tiêu “Proceeds from sales of PPE/Intangible assets”: cung cấp sẵn ở Notes hoặc tự xác định = Carrying amount + Profit/(Loss)
- Chỉ tiêu “Interest income received”: cung cấp sẵn ở Notes hoặc tự tính
Bước 6: Xác định các chỉ tiêu thuộc “Financing activities”
- Chỉ tiêu “Proceeds from issue of share capital” = Share equity at beginning of period (BS) + Bonus issue (BS) – Share equity at end of period (BS)
- Chỉ tiêu “Proceeds from long-term borrowings” = Closing balance (BS) – Opening balance (BS) + Payment of Long-term borrowings (Notes)
- Chỉ tiêu “Payment of Lease liability” = Lease liability at beginning of period (BS) + Lease addition (Notes) – Lease liability at end of period (BS)
Bước 7. Xác định tiền & tương đương tiền tăng giảm trong kỳ
(2) Lập BCLCTT theo “Direct method”
Bước 1. Xác định chỉ tiêu “Net Cash from Operating activities”
- Chỉ tiêu “Cash received from customers” = Receivables balance at beginning of period (BS) + Revenue (PL) – Receivables balance at end of period (BS)
- Chỉ tiêu “Cash paid to suppliers” = Payables balance at beginning of period (BS) + Purchases & Other expenses – Payables balance at end of period (BS)
Trong đó:
Purchases = Inventory balance at end of period (BS) + COS (PL) – Inventory balance beginning of period (BS)
Other expenses = Total other expenses (PL) – Amortization/Depreciation (nếu có)
- Chỉ tiêu “Cash paid to employees” = Employee payables balance at beginning of period (BS) + Labour Expenses (PL/Notes) – Employee payables at end of period (BS)
- Interest paid / Taxes paid / Dividends paid: tương tự như “Indirect method”
Bước 2. Xác định các chỉ tiêu thuộc “Investing activities”
Bước 3. Xác định các chỉ tiêu thuộc “Financing activities”
Bước 4. Xác định tiền & tương đương tiền tăng giảm trong kỳ
(Từ Bước 2 – Bước 4: Thực hiện hoàn toàn giống như “Indirect method”)
2.3. Case study
(Updating)
Ad ơi, cho m hỏi hình như web bị mất Bài 5 rồi ấy, m thấy web số thứ tự từ Bài 4 sang Bài 6 luôn.
Hi bạn, không phải mất mà do Ad chưa hoàn thành. Theo kế hoạch thì đó là bài Hợp nhất BCTC cho trường hợp có Associates (liên doanh liên kết). 😀