Chia sẻ kinh nghiệm tự học và thi CFA Level 1

Đang xem 0 luồng phản hồi
  • Người viết
    Bài viết
    • #8243 Reply
      Admin
      Quản lý

      Nhân dịp đăng ký thi CFA Level 2 xong thì Ad quyết định vượt lười để chia sẻ lại toàn bộ quá trình Ad tự học CFA Level 1 năm ngoái. Hy vọng là có thể giúp ích được cho nhiều bạn.

      Thật ra để mà nói trọn vẹn về 1 hành trình dài mấy tháng chỉ trong 1 bài viết thì quá khó. Mà cũng sẽ có những thông tin không phù hợp với tất cả mọi người. Vậy nên Ad sẽ chỉ tập trung vào những vấn đề mà Ad cho là trọng yếu thôi nha. Vấn đề đầu tiên là tại sao Ad lại quyết định học CFA?

      1. Mục đích học CFA để làm gì?

      Ngẫm lại thì Ad thấy có 3 lý do dẫn đến quyết định chi tiền:

        • Lý do thứ nhất, cũng là lý do quan trọng nhất, là bởi vì Ad đang quan tâm đến một số kiến thức về phân tích kinh tế vĩ mô và các sản phẩm tài chính. Nếu như mà tự học, tự tìm hiểu thì cũng được thôi. Nhưng mà trên mạng có quá nhiều thông tin. Và các thông tin này lại lộn xộn, không đầy đủ, còn chưa kể đến mức độ chính xác có thể không đảm bảo. Nên là nếu như tự tìm hiểu thì sẽ phải bỏ công sức tìm kiếm, chắt lọc, sắp xếp thông tin rất lâu. Trong khi đó Ad lại muốn học một cách bài bản và tiết kiệm thời gian nhất. Nên Ad quyết định là phải tìm đến các chương trình học chính thống. Và sau khi tham khảo nội dung các môn học của chứng chỉ CFA thì Ad thấy đây là lựa chọn khá là phù hợp với mình.

        • Lý do thứ hai là Ad tò mò. Từ hồi còn làm kiểm toán chắc tầm chục năm trước, khi đó thì ACCA cũng chưa quá phổ biến như bây giờ. Nhưng mà so với CFA thì vẫn rất là phổ biến. Tại thời điểm đó thì CFA ở Việt Nam có cực ít thành viên luôn ấy. Các anh chị ở trong công ty thường nói là kiểu ai mà có CFA thì như kiểu là động vật trong sách đỏ. Bây giờ nghĩ lại thì thấy chắc là nói hơi quá. Nhưng mà cũng phải công nhận rằng, số lượng người có CFA ở Việt Nam vẫn ít hơn rất là nhiều so với ACCA. Năm 2019 Ad có đọc báo thì ở Việt Nam có khoảng tầm hơn 260 người có chứng chỉ CFA. Trong khi đó, với ACCA con số này là khoảng tầm 1,300. Nghe rất nhiều người nói thì bởi vì học CFA rất là khó. Ad cũng rất tò mò không biết có thực sự khó đến mức đấy không?

        • Lý do thứ ba, rất phù phiếm. Đó là bởi vì Ad muốn trải nghiệm cảm giác có cả ACCA và CFA xem như thế nào.

      Thì các bạn có thể thấy rằng là lý do Ad học chứng chỉ CFA nó chả liên quan gì đến mấy cái truyền thuyết kiểu là có CFA thì việc mấy ngàn đô hay là đầu tư chứng khoán các kiểu. Nói chung theo quan điểm của Ad thì giá trị của chứng chỉ CFA nó cũng tương tự như ACCA. Tức là nó sẽ không thể thành một cái vé thần kỳ giúp chúng ta kiểu là muốn gì được nấy được ý. Nói thẳng ra thì Ad đánh giá cao giá trị của CFA về mặt kiến thức hơn là về hiệu quả khi tìm việc.

      Để nói về giá trị của CFA khi tìm việc thì Ad nhìn nhận 2 khía cạnh như này:

      [1] Với các vị trí cấp cao (có kinh nghiệm): Nếu như quan tâm, các bạn có thể vào các trang tuyển dụng nổi tiếng và tìm kiếm từ khóa CFA. Các bạn sẽ thấy là, các yêu cầu tuyển dụng bao giờ cũng ghi là: “Ưu tiên những người có chứng chỉ CFA”. Chỉ là ưu tiên chứ không phải bắt buộc. Tại sao lại như vậy?

      Theo Ad thì bởi vì:

      Chứng chỉ chuyên môn hay bất kỳ bằng cấp nào đó, sẽ chỉ là chứng nhận về việc bạn thực sự có kiến thức về 1 lĩnh vực. Trong khi đó, để làm được việc thì không chỉ cần kiến thức, mà còn cần kỹ năng xử lý tình huống, công việc cụ thể. Chính vì vậy, càng những vị trí cao như là Giám đốc tài chính hay là Trưởng phòng quản lý quỹ các kiểu, thì yêu cầu đầu tiên sẽ luôn là “Số năm kinh nghiệm” ở vị trí tương đương. Còn chứng chỉ, bằng cấp sẽ chỉ là điểm cộng cho hồ sơ.

      [2] Với các vị trí tuyển dụng nhân viên mới: Do là nhân viên mới, không có kinh nghiệm làm việc thì nhà tuyển dụng sẽ đặt yêu cầu bằng cấp lên hàng đầu để chọn lọc hồ sơ. Và vì vậy nên với những vị trí công việc này thì việc học CFA sẽ có giá trị lớn khi ứng tuyển, đặc biệt là khi chúng ta tốt nghiệp đại học không phải thuộc Top đầu. Nhưng cũng sẽ chỉ là lợi thế ở vòng loại hồ sơ thôi nha. Còn sau đó, đến lúc phỏng vấn làm bài thi các kiểu thì tất nhiên sẽ do năng lực của chúng ta rồi.

      2. Thời gian cần thiết để tự học CFA Level 1?

      Vấn đề thứ hai mình muốn chia sẻ đó là thời gian cần thiết để học CFA. Trên website của CFA và rất nhiều nguồn khác thì đều để thông tin rằng: Để đỗ được một cấp độ CFA thì trung bình sẽ cần 300 giờ học.

      Sau khi đăng ký thi xong thì Ad mới biết thông tin này. Lúc đấy kiểu ngớ người ra luôn ý. Bởi vì nếu như biết trước thông tin này chắc là Ad sẽ không đăng ký thi mất. Với một người đã có gia đình, lại còn công việc chính, công việc phụ, còn muốn học hành thêm thế này thì kia thì Ad không thể dành 300 giờ chỉ để học CFA. Không thể!!!!!!!!!!!

      Nhưng vì đằng nào cũng đăng ký thi rồi nên bắt buộc phải lên kế hoạch học thôi, sao bỏ hơn $1,000 được. Nói thực thì Ad cũng không ước tính chính xác thời gian đã dành ra để học. Chỉ là ước tính tương đối. Trung bình thì mỗi buổi học 2 giờ, nên tổng thời gian sẽ rơi vào khoảng 150 giờ ~ 200 giờ. Mà đấy còn là do chiến lược học Ad xây dựng ban đầu bị lỗi nên về sau phải sửa lại đấy. Chứ không thì thời gian còn ít nữa.

      Như vậy là qua trải nghiệm này, Ad có thể khẳng định rằng: thông tin 300 giờ gì đó, không phải là một mốc tham chiếu quá chuẩn. Bởi vì còn phải tùy thuộc vào tình hình mỗi người nữa. Nên nếu mà bạn không thể dành ra 300 giờ để học được, thì cũng không cần phải xoắn làm gì cả.

      Ad làm được thì các bạn cũng làm được ấy. Lần này ôn thi CFA Level 2, Ad cũng sẽ chỉ định dành ra khoảng 200 giờ như Level 1 để học thôi.

      3. Chiến lược & Cách thức áp dụng khi tự học CFA Level 1

      Vấn đề thứ ba Ad muốn chia sẻ là chiến lược và cách thức Ad đã áp dụng khi tự học CFA Level 1. Đây chắc là vấn đề nhiều bạn quan tâm nhất nhỉ?

      Trước tiên các bạn hãy xem Báo cáo kết quả thi CFA Level 1 của Ad đã nhé:

      kinh-nghiem-hoc-cfa-level-1

      Như các bạn thấy trên hình thì:

      [1] Cấu trúc đề thi CFA sẽ được chia thành 10 môn học. Tương ứng với đó là tỷ trọng của từng môn học trong đề thi. Đây cũng là điều Ad thích nhất ở CFA. Thông tin này sẽ rất là hữu ích cho việc phân bổ thời gian học của chúng ta.

      [2] Với CFA, sẽ không có điểm số cụ thể cho từng môn. Thay vào đó, CFA chỉ thể hiện kết quả của chúng ta đang nằm ở trong khoảng nào:

        • Dưới 50%

        • Từ 50% đến 70%

        • Trên 70%

      Như Ad thì có 1 môn sẽ ở mức < 50%, 1 môn ở mức 50% – 70%, còn lại là > 70%. Và kết quả này với Ad thì vừa bất ngờ, vừa không bất ngờ.

      Không bất ngờ là vì môn Thống kê (“Quantitative Methods”) của Ad chỉ được dưới 50%. Với môn này Ad đã chủ định chỉ học trong tầm có 5 buổi, tức là tương ứng với khoảng 10 giờ. Nên là kết quả này không có gì ngạc nhiên cả.

      Còn điều bất ngờ là với môn Quản lý danh mục đầu tư (“Portfolio Management”). Ad chỉ học môn này trong có khoảng 3 buổi, tức là tầm 6 giờ nhưng mà kết quả vẫn được 70%. Kết quả này thực sự là ngoài mong đợi. Chắc là có một chút may mắn nữa nhỉ? 🙂

      Và để đạt kết quả như này thì Ad cũng không có bí quyết gì ghê gớm cả. Tài liệu thì Ad chỉ sử dụng tài liệu của CFA. Ad cũng cũng không tham gia hội nhóm nào, không có đọc tài liệu tóm tắt của trung tâm nào. Ad thấy quan trọng nhất là Ad đã áp dụng Nguyên tắc 80/20 trong quá trình phân bổ thời gian học thôi.

      [1] Chiến lược áp dụng khi tự học CFA Level 1

      Bạn nào mà theo dõi Ad lâu thì chắc đã nghe đến nguyên tắc này rất nhiều lần rồi. Đơn giản là chúng ta đi xác định các nội dung trọng tâm của đề thi hay chương trình học, và giành phần lớn thời gian để ôn tập các nội dung này. Thời gian còn lại thì sẽ dành để ôn các nội dung không trọng tâm.

      Như bên trên Ad có nói, khi học CFA Level 1 thì quá trình áp dụng Nguyên tắc 80/20 của Ad có chút sai lầm. Cụ thể là, ban đầu Ad chỉ đơn giản dựa vào tỷ trọng của từng môn mà CFA cung cấp để phân bổ thời gian học cho tương ứng. Và theo đó thì thứ tự các môn Ad học sẽ như sau:

        • Đạo đức & Chuẩn mực nghề nghiệp

        • Phân tích tài chính

        • Công cụ vốn chủ sở hữu

        • Các khoản đầu tư có thu nhập cố định

        • Tổ chức phát hành

        • Thống kê

        • Kinh tế

        • Phái sinh

        • Các khoản đầu tư thay thế

        • Quản lý danh mục đầu tư

      Tuy nhiên, sau khi bắt đầu học môn Phân tích tài chính thì vấn đề đã phát sinh. Đó là học mãi không hết, học mãi không xong.

      Dù bản thân Ad cũng đã có kiến thức về phân tích tài chính ở một mức độ nhất định rồi, nhưng mà lượng kiến thức thực sự quá nhiều. Môn học này có siêu nhiều chủ đề nhỏ luôn. Và Ad tự thấy rằng nếu như tiếp tục học kiểu này thì sẽ không thể nào mà kịp hoàn thành được. Chính vì vậy Ad đã phải ngồi ngẫm lại và thấy rằng là nếu áp dụng nguyên tắc 80/20 theo tỷ trọng môn học như hiện tại thì chưa chuẩn.

      Ta sẽ cần phải liệt kê ra xem từng môn học có bao nhiêu chủ đề nhỏ. Và tính ra tỉ trọng đề thi trên một chủ đề cho mỗi môn. Sau đó mới lựa chọn, sắp xếp thứ tự học các môn theo tỷ lệ cao nhất thì học trước. Dựa vào kết quả tính toán Ad đã sắp xếp thứ tự học các môn như sau:

        • Các khoản đầu tư thay thế

        • Công cụ phái sinh

        • Tổ chức phát hành

        • Các khoản đầu tư VCSH

        • Các khoản đầu tư có thu nhập cố định

        • Đạo đức & Chuẩn mực nghề nghiệp

        • Kinh tế

        • Phân tích tài chính

        • Thống kê

        • Quản lý danh mục đầu tư

      Ad lưu ý 1 chút về thứ tự này:

        • Ad xếp môn Đạo đức & Chuẩn mực nghề nghiệp sau 3 môn về Tổ chức phát hành – Các khoản đầu tư vốn chủ sở hữu – Các khoản đầu tư có thu nhập cố định dù có tỷ trọng cao hơn. Lý do vì: Sau khi học một phần nội dung của môn đạo đức thì Ad thấy rằng môn này đề cập khá nhiều đến các nội dung chuyên sâu của 3 môn kia. Do đó, nếu học môn đạo đức trước thì việc tra cứu đối chiếu thông tin giữa các môn sẽ rất mệt. Chính vì vậy nên Ad quyết định học môn đạo đức sau.

        • Ad xếp môn Phân tích tài chính lên trước môn Thống kê dù môn Thống kê có tỷ trọng cao hơn. Lý do vì với Ad thì môn Phân tích tài chính nó dễ học hơn rất nhiều. Ad đã biết hầu hết các khái niệm, nội dung của môn này nên khi học sẽ nhanh hơn. Trong khi môn thống kê thì lại có siêu nhiều các khái niệm và kiến thức mà Ad chưa biết. Và xét về tổng tỷ trọng thì môn thống kê chỉ chiếm 8%~12% trong khi Phân tích tài chính là 13% ~ 17%. Cho nên Ad đã ưu tiên môn Phân tích tài chính trước.

      Thì đó là về thứ tự học các môn nhé. Còn về cách học thì như sau:

      [2] Cách tự học CFA Level 1

      Ngoại trừ môn Thống kê và Quản lý danh mục đầu tư ra, các môn còn lại Ad sẽ học theo 4 bước:

        • Bước 1: Đọc phần giới thiệu môn học (“Introduction”) trước để nắm được bức tranh toàn cảnh của môn đó. Để xem là sẽ có những chủ đề nào? Và từng chủ đề sẽ nói về nội dung gì để từ đó hình dung ra được bức tranh toàn cảnh của môn học.

        • Bước 2. Đọc phần tóm tắt (“Summary”) cuối mỗi chủ đề. Bởi vì trong phần tóm tắt này người ta sẽ đề cập đến hầu hết các khái niệm chính được sử dụng nhiều trong môn học. Ad sẽ đi tra các cái khái niệm chưa rõ và vẽ ra mối liên hệ giữa các cái khái niệm. Việc này sẽ giúp Ad tạm thời hình dung ra sườn kiến thức.

        • Bước 3. Làm ngân hàng câu hỏi, đọc hiểu đáp án và tra các nội dung lý thuyết tương ứng.

        • Bước 4. Quay lại đọc lướt toàn bộ phần lý thuyết của chủ đề. Để xem có cái chỗ kiến thức nào mình còn chưa hiểu hay không?

      Riêng với môn Thống kê thì Ad chỉ làm hai bước đầu. Sau đó thì Ad đi làm các câu hỏi liên quan trong Mock Exams luôn.

      Còn với môn Quản lý danh mục đầu tư, với Ad thì môn này khá là dễ học. Tức là chỉ có một số thuật ngữ nghe là thấy mới lạ, cần phải tra thôi. Còn đâu thì nội dung khá là dễ đoán. Chính vì vậy nên Ad mới chỉ dành 6 giờ để học, tập trung vào việc làm câu hỏi tương ứng trong Mock Exams. Nhưng đó là với Ad thôi, còn không biết các bạn như nào. Vậy nên trước khi quyết định học theo chiến lược của Ad thì các bạn hãy tự đánh giá xem là có phù hợp với bản thân hay không nhé.

      Học hành thì như vậy, còn đi thi thì cứ đến ngày là đi thi thôi. Ad đăng ký thi ca chiều. Cả buổi sáng chỉ chơi, nghe nhạc, đọc truyện. Tóm lại là tránh để bản thân căng thẳng. Thời gian thi là 4.5 giờ, mới đầu nghe thì khá là choáng. Nhưng mà các bạn cứ tin Ad, vào phòng thi rồi sẽ bị cuốn vào ý, nên sẽ không để ý thời gian lâu đâu.

      Chưa kể là buổi thi sẽ được chia làm 2 phần:

        • Phần 1: Đạo đức & chuẩn mực nghề nghiệp, Thống kê, Kinh tế và Phân tích tài chính (90 câu hỏi trắc nghiệm – 135 phút)

        • Phần 2: Tổ chức phát hành, Khoản đầu tư VCSH, Khoản đầu tư có thu nhập cố định, Công cụ phái sinh, Các khoản đầu tư thay thế và Quản lý danh mục đầu tư (90 câu hỏi trắc nghiệm – 135 phút)

      Giữa 2 phần thi sẽ có khoảng thời gian nghỉ 30 phút. Đây chỉ là tùy chọn tối đa, còn nghỉ bao nhiêu lâu thì nghỉ. Ad thì chỉ nghỉ tầm 10 phút rồi vào làm tiếp luôn. Ad cũng khuyên là các bạn không nên nghỉ quá lâu. Bởi vì việc nghỉ quá lâu sẽ làm giảm sự tập trung, sự hưng phấn của bản thân. Và có thể khiến chúng ta không ở trong trạng thái tốt nhất để làm bài thi.

      Ngoài chiến lược học bên trên, Ad chia sẻ thêm 1 số vấn đề nhỏ khác mà Ad nghĩ là cần thiết nha.

      4. Các vấn đề khác cần lưu ý

      [1] 2 sai lầm nên tránh khi tự học CFA

      Trong quá trình học thì ngoài lỗi trong xây dựng chiến lược ban đầu, Ad còn mắc 2 lỗi khác, may mà không đến nỗi để lại hậu quả.

      Thứ nhất là việc mình bị sa đà vào hoàn thành ngân hàng câu hỏi của từng chủ đề trước khi chuyển sang chủ đề khác.

      Có thể các bạn đã biết là CFA họ bao gồm luôn hệ thống ngân hàng câu hỏi trên Website học trực tuyến. Nghĩa là sau mỗi chủ đề, chúng ta có thể thực hành luôn với ngân hàng câu hỏi tương ứng. Và đây cũng chính là bẫy mà Ad mắc phải. Chắc tại do tính cách nên Ad thấy ngân hàng câu hỏi thì cứ cố hoàn thành hết. Trong khi thực ra có nhiều câu hỏi rất giống nhau, và việc cố gắng làm hết ngoài việc mang lại cảm giác thỏa mãn nhất thời ra thì sẽ không giúp chúng ta rèn luyện thêm kiến thức và kỹ năng mới. Thay vào đó sẽ làm chúng ta mất rất nhiều thời gian.

      Và ý kiến của Ad ở đây là, nếu các bạn thấy phần câu hỏi bị giống nhau thì nên bỏ qua. Để khi nào đến thời gian ôn luyện thì hãy làm.

      Lỗi thứ hai Ad mắc phải là làm bài Mock Exams quá muộn.

      Với CFA thì họ không công khai đề thi. Và trong môn học về Ethics & Professional Standards (Đạo đức & Chuẩn mực nghề nghiệp) cũng đã quy định rất rõ về việc nghiêm cấm tiết lộ nội dung đề thi. Chính vì vậy nên chúng ta sẽ không thấy đề thi CFA được công bố trên mạng để tham khảo. Và để thí sinh có thể làm quen đề thi thì khoảng tầm 2 tháng trước ngày thi, CFA sẽ phát hành 2 bài thi thử.

      Và sai lầm của Ad ở đây là, tại thời điểm phát hành bài thi thử Ad không có làm luôn. Bởi vì lúc đấy Ad còn quá nhiều thứ để học nên không muốn dành thời gian làm bài thi thử. Cho đến khoảng tầm 2 tuần trước khi thi Ad mới mở ra. Rất may là bài thi thử này khá sát với ngân hàng câu hỏi rồi cho nên là không ảnh hưởng nhiều. Chứ không chắc là tèo.

      Lời khuyên của Ad ở đây là bất kể thế nào, khi có đề thi thử thì hãy dành thời gian để làm thử ít nhất 1 đề trước để định hình phương hướng của đề thi. Còn lại 1 đề thì để thực hành sau khi học xong.

      [2] Dành thời gian để tra cứu thông tin

      Từ trải nghiệm với ACCA và CFA thì Ad thấy rằng cách quản lý và quy trình tổ chức của CFA có thể nói là khá đơn giản, gọn nhẹ, dễ hiểu. Trong quá trình từ khi đăng ký thi cho đến khi đi thi, Ad không phải tham gia bất kỳ hội nhóm nào để học hỏi kinh nghiệm lúc thi hay lúc đăng ký thi cả.

      Nếu như Website học có vấn đề gì thì liên lạc thẳng CFA. Họ phản hồi rất nhanh. Thủ tục và các thứ cần chuẩn bị khi đi thi họ cũng hướng dẫn rất rõ ràng từng bước, từng bước. Vậy nên các bạn đừng mất thời gian lượn lờ các hội nhóm rồi xin kinh nghiệm các thứ làm gì. Thời gian nếu có thì hãy để dành tra cứu thông tin và luyện sử dụng máy tính.

      Vụ tra cứu thông tin thì liên quan đến giáo trình hiện tại của CFA nhiều chỗ còn chưa hợp lý, theo ý kiến đánh giá của Ad. Kiểu chỗ quan trọng cần phải giải thích lý do tại sao thì không nói, trong khi đó cứ lan man ra các vấn đề khác. Rất may là những nội dung kiến thức của CFA Level 1 đều là kiến thức cơ bản nên việc chúng ta tra cứu trên mạng cũng nhanh. Có lẽ chính CFA họ cũng nhận thấy sự bất hợp lý trong giáo trình hiện tại nên họ đã lập lộ trình cập nhật thay đổi rồi. Bạn nào sau này mới thi thì sẽ được học sách mới, sướng nhé!

      [3] Sử dụng máy tính khi tự học CFA Level 1

      Chắc các bạn cũng đã biết là chúng ta sẽ phải sử dụng máy tính trong quá trình học và thi CFA. Ngoại trừ 2 môn Ethics và Quản lý danh mục đầu tư, câu hỏi của các môn còn lại hầu như đều phải sử dụng máy tính.

      Với máy tính thì Ad khuyên chân thành là nên mua hoặc thuê luôn từ đầu để trong quá trình học thì tập sử dụng luôn. Bởi vì liên quan đến dạng bài về dòng tiền, sẽ có khá nhiều tình huống và ta phải thay đổi cách bấm máy tính tương ứng.

      Bản thân Ad cũng phải mất khá nhiều thời gian mới quen việc sử dụng máy tính để giải các cái dạng bài tập liên quan. Trên YouTube sẽ có các videos hướng dẫn cách sử dụng máy tính cho 1 số tình huống bài tập nên các bạn cũng không cần phải quá lo lắng đâu. Cứ nhớ là phải dành thời gian tập sử dụng máy tính là được.

      [4] Ngày thi CFA Level 1 thực tế diễn ra như nào?

      Học hành thì như vậy, còn đi thi thì cứ đến ngày là đi thi thôi. Ad đăng ký thi ca chiều. Cả buổi sáng chỉ chơi, nghe nhạc, đọc truyện. Tóm lại là tránh để bản thân căng thẳng.

      Chúng ta sẽ phải có mặt ở địa điểm thi trước 30 phút. Nhớ mang theo Hộ chiếu còn thời hạn và ăn mặc tử tế. Phòng thi nhiệt độ rất lạnh. Người da dày thịt béo như Ad mà vẫn còn thấy lạnh thì mấy bạn gầy yếu chắc không chịu được. Trước tiên, trung tâm khảo thí họ sẽ phổ biến quy định, sau đó kiểm tra thí sinh xem có nhét tài liệu, thiết bị gian lận trên người không. Nói chung là như qua cổng an ninh sân bay thôi.

      Các thí sinh lần lượt vào phòng thi, mỗi người 1 máy. Vào đó họ sẽ phát bảng nháp và bút dạ nên thí sinh không được mang gì khác vào. Chỉ được cầm theo mỗi cái hộ chiếu và số thứ tự máy tính thôi.

      Thời gian làm bài thi là 4.5 giờ. Mới đầu nghe thì khá là choáng. Nhưng mà các bạn cứ tin Ad, vào phòng thi rồi sẽ bị cuốn vào ý, nên sẽ không để ý thời gian lâu đâu. Chưa kể là buổi thi sẽ được chia làm 2 phần:

        • Phần 1: Đạo đức & chuẩn mực nghề nghiệp, Thống kê, Kinh tế và Phân tích tài chính (90 câu hỏi trắc nghiệm – 135 phút)

        • Phần 2: Tổ chức phát hành, Khoản đầu tư VCSH, Khoản đầu tư có thu nhập cố định, Công cụ phái sinh, Các khoản đầu tư thay thế và Quản lý danh mục đầu tư (90 câu hỏi trắc nghiệm – 135 phút)

      Giữa 2 phần thi sẽ có khoảng thời gian nghỉ 30 phút. Đây chỉ là tùy chọn tối đa, còn nghỉ bao nhiêu lâu thì nghỉ. Ad thì chỉ nghỉ tầm 10 phút rồi vào làm tiếp luôn. Ad cũng khuyên là các bạn không nên nghỉ quá lâu. Bởi vì việc nghỉ quá lâu sẽ làm giảm sự tập trung, sự hưng phấn của bản thân. Và có thể khiến chúng ta không ở trong trạng thái tốt nhất để làm bài thi.

      Phù, trên đây là 1 số vấn đề mà Ad muốn chia sẻ với các bạn về hành trình tự học CFA Level 1 của mình. Nếu các bạn quyết định dấn thân vào hành trình này thì Ad xin chúc các bạn mọi việc thuận lợi. Hãy cứ tự tin vì chúng ta có thể mà!

       

Đang xem 0 luồng phản hồi
Phản Hồi về: Chia sẻ kinh nghiệm tự học và thi CFA Level 1
Thông tin về bạn:




You cannot copy content of this page